Phân bón là thức ăn do con người bổ sung cho cây trồng, trong Phân bón có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Để hiểu rõ hơn về ngành này, chúng ta cần phân tích chuỗi giá trị của nó từ khâu nguyên liệu đến khi sản phẩm hoàn thành và xuất khẩu. Điều này giúp định hình được vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị Ngành. Bài viết sau sẽ đề cập sơ lược cơ bản đến Chuỗi giá trị của Ngành Phân bón và các vấn đề liên quan. Bài viết gồm các nội dung:
- Chuỗi giá trị Ngành Phân bón
- Ngành Phân bón tại Việt Nam
- Tra cứu biến động giá Phân bón và nguyên liệu tại đâu?
- Yếu tố vĩ mô cần lưu ý khi nghiên cứu Ngành Phân bón
----------------------------------------------------------------
1. Chuỗi giá trị Ngành Phân bón
Phân bón là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng giúp cây phát triển, Phân cón có nhiều loại nhưng chủ yếu được cấu tạo từ nguyên tố đa lượng là N, P, K, Ca, Mg và nguyên tô vi lượng Fe, Mn, Zn, Cu, Mo, B, Co. Trong đó 3 nguyên tố được sử dụng nhiều nhất là N, P, K. Đạm Nitơ thường dùng là đạm Amon (như Sulfat Amon, Cacbonat Amon, Clurua Amon) và Đạm dạng Ammoniac, Nito (Amon Nitrat, Natri Nitrat và Kali Nitrat). Các quặng muối Photphat là nguyên liệu chủ yếu để chế tạo Phân Lân…Phân Kali thường dùng chủ yếu là Phophat Kali và Clorua Kali.
|
Chuỗi giá trị ngành Phân bón (VNIStock.net tổng hợp) (Link ảnh gốc) |
Nhìn vào hình trên ta thấy sản phẩm Phân bón được sản xuất từ các nguyên liệu chính là từ tài nguyên thiên nhiên như: Than, Khí tự nhiên, Lưu huỳnh…
Sau đó qua quá trình sản xuất hóa chất cần thiết như Ammoniac, Kali Clorua, Axit Photphoric, Axit Sulphuric… Thông qua các cơ chế hóa học, lý học để tạo thành các loại phân bón khác nhau như Phân Ure, Phân Lân, Phân NPK. Các sản phẩm phân bón được thông qua các nhà nhập khẩu và hệ thống đại lý để đến người tiêu thụ cuối cùng.
- Phân Đạm cung cấp nitơ hóa hợp cho cây dưới dạng ion NO3- và NH4+. Có tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng, làm tăng tỉ lệ của protein thực vật, từ đó giúp cho cây phát triển nhanh cho nhiều củ, hạt, quả.
- Phân Lân cung cấp photpho cho cây dưới dạng ion photphat. Có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh hoá, trao đổi chất và trao đổi năng lượng của cây trồng.
- Phân Kali cung cấp kali cho cây dưới dạng ion K+. Có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo ra chất đường, bột, chất xơ, chất dầu, bên cạnh đó là tăng cường sức chống rét, chống sâu bệnh và chịu hạn của cây.
- Phân Vi lượng cung cấp cho cây các nguyên tố bo, kẽm, mangan, đồng… dưới dạng hợp chất. Có tác dung tăng khả năng kích thích quá trình sinh trưởng và trao đổi chất, tăng hiệu lực quang hợp cho cây.
|
Nhu cầu phân bón thế giới giai đoạn 2011 - 2024 (Statista) (Link ảnh gốc) |
Thống kê trên thế giới, giai đoạn từ năm 2011/2012 đến năm 2023/2024, nhu cầu toàn cầu đối với ba loại phân bón dinh dưỡng chính này đã tăng đáng kể: Nitơ (N), Photpho pentoxit (P₂O₅) và Kali Oxit (K₂O). Nitơ rất cần thiết cho quá trình sản xuất Protein và quang hợp; Photpho hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, phát triển rễ và ra hoa; và Kali điều chỉnh các quá trình của cây, tăng cường khả năng kháng bệnh và cải thiện chất lượng cây trồng.
Nhu cầu phân bón trên toàn cầu tăng trưởng đều, từ 177,2 triệu tấn trong năm 2011/2012 lên mức dự báo là 195,4 triệu tấn vào năm 2023/2024 cho thấy tầm quan trọng của các chất dinh dưỡng này trong ngành nông nghiệp toàn cầu. Nitơ luôn có nhu cầu cao nhất ước tính là 109,7 triệu tấn vào năm 2022/2023 và nhu cầu dự báo là 111,6 triệu tấn vào năm 2023/2024. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các chất dinh dưỡng này phản ánh tầm quan trọng của chúng trong việc tạo ra năng suất cây trồng và năng suất nông nghiệp cao, đảm bảo an ninh lương thực cho dân số toàn cầu.
|
Top 5 quốc gia Nhập khẩu và Xuất khẩu Phân bón lớn nhất thế giới 2022 (Statista) (Link ảnh gốc) |
Thống kê giá trị xuất khẩu phân bón hàng đầu theo quốc gia trong năm 2023:
- Nga: 14,9 tỷ USD (16,1% tổng lượng phân bón xuất khẩu)
- Trung Quốc: 9,7 tỷ USD (10,5%)
- Canada: 9,6 tỷ USD (10,3%)
- Hoa Kỳ: 5,48 tỷ USD (5,9%)
- Ma-rốc: 5,46 tỷ USD (5,9%)
- Ả Rập Saudi: 4,3 tỷ USD (4,7%)
- Bỉ: 2,8 tỷ USD (3%)
- Ô-man: 2,6 tỷ USD (2,8%)
- Hà Lan: 2,59 tỷ USD (2,8%)
- Ai Cập: 2,5 tỷ USD (2,7%)
Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức các loại phân bón này cũng là một vấn đề đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến chất dinh dưỡng chảy tràn vào hệ thống nước và hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường . Hậu quả của hiện tượng phú dưỡng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh và chất lượng nước. Khi sự phụ thuộc toàn cầu vào phân bón tiếp tục gia tăng, việc áp dụng các chiến lược nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của chúng đối với môi trường ngày càng trở nên quan trọng.
----------------------------------------------------------------
2. Ngành Phân bón tại Việt Nam
Cũng giống như trên thế giới, sản phẩm Phân bón của Việt Nam là Ure - Than, Ure - Khí, Phân Lân, Phân Kali và Phân NPK. 80% sản lượng phân bón sản xuất được sử dụng cho ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực trồng lúa gạo chiếm tỷ trọng tiêu thụ cao nhất với hơn 60%.
2.1. Phân Ure (Than)
Đối với các doanh nghiệp sản xuất Đạm sử dụng than, chi phí nguyên liệu đầu vào từ Vinacomin chiếm khoảng 70% tổng chi phí. Các công ty tiêu biểu trong lĩnh vực này bao gồm Đạm Hà Bắc (DHB) và Đạm Ninh Bình.
2.2. Phân Ure (Khí)
Hai công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất Đạm từ khí thiên nhiên tại Việt Nam là Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM), với nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ PV Gas. Các công ty này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá dầu thế giới. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Các nhà sản xuất phân bón Đạm từ khí tại Việt Nam hiện phải cạnh tranh với các nhà sản xuất từ Trung Đông và Brunei, nơi có nguồn khí thiên nhiên giá rẻ.
2.3. Phân Lân
Nguồn cung phân lân trong nước chủ yếu đến từ hai nguồn: sản xuất nội địa và nhập khẩu. Trong đó, lượng phân lân nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%.
Sản xuất trong nước: Nguyên liệu chính bao gồm quặng Apatit từ các mỏ ở phía Tây Bắc và lưu huỳnh, trong đó Apatit chiếm khoảng 38-51% chi phí. Việc khai thác và quản lý quặng Apatit hiện do Vinachem đảm nhiệm, trong khi lưu huỳnh chủ yếu được nhập khẩu. Giá lưu huỳnh đã giảm và hiện có xu hướng ổn định sau đợt tăng giá vào cuối năm 2022 - đầu năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất phân bón.
Nhập khẩu từ Trung Quốc: Việc dỡ bỏ thuế tự vệ đối với phân bón từ tháng 8/2022 đã thúc đẩy nhập khẩu DAP từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, với khối lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 và giá nhập khẩu có xu hướng giảm. Giá DAP xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang giảm về mức giá của đầu năm 2021, làm tăng cạnh tranh với giá DAP sản xuất trong nước và kéo theo xu hướng giảm giá DAP nội địa.
2.4. Phân Kali
Phân Kali không được sản xuất trong nước mà phải hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó phần lớn nhập khẩu đến từ Nga và Trung Quốc.
2.5. Phân NPK
Việc sản xuất phân đơn yêu cầu đầu tư lớn vào nhà máy và chi phí khấu hao cao, trong khi các nhà máy sản xuất phân NPK chỉ cần mức đầu tư và công nghệ ở mức trung bình. Phân bón Ure và phân lân hiện tại không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu phần dư thừa. Tuy nhiên, đối với phân NPK, mặc dù sản lượng sản xuất trong nước vượt nhu cầu, vẫn cần nhập khẩu những sản phẩm chất lượng cao.
Công suất sản xuất tại Việt Nam
|
Xuất khẩu Phân bón các loại của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)
| Xuất khẩu Phân bón các loại của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc) |
|
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước hiện đạt hơn 11 triệu tấn mỗi năm, trong khi sản lượng sản xuất phân bón công nghiệp trong nước chỉ đạt gần 8 triệu tấn/năm. Đối với phân bón Ure, nhu cầu sử dụng trong nông nghiệp khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 4 nhà máy sản xuất Ure trong nước gồm Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ (thuộc PVN), Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Vinachem) đã có thể sản xuất khoảng 3 triệu tấn, dẫn đến tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Phân Lân. Nhu cầu sử dụng Phân Supe lân trực tiếp là khoảng 500.000 tấn/năm, và nguyên liệu Supe lân cho sản xuất phân bón tổng hợp NPK khoảng 600.000 tấn/năm. Trong khi đó, các công ty như LAS, SFG, DGC và Supe lân Apromaco Lào Cai có tổng công suất sản xuất Phân Supe lân khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, sản lượng Phân lân nung chảy từ ba nhà máy ở Văn Điển, Ninh Bình và Lào Cai đạt hơn 600.000 tấn/năm, tạo ra sự dư thừa năng lực sản xuất phân bón Supe lân khoảng 1 - 1,1 triệu tấn/năm.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất phân Ure và Phân Lân đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tăng cường tiêu thụ và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt hơn 335.000 tấn, tăng 35% về sản lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
|
Xuất khẩu Phân bón Việt Nam năm 2023 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc) |
----------------------------------------------------------------
3. Tra cứu biến động giá Phân bón và nguyên liệu tại đâu?- Giá Dầu Brent tra cứu tại đây.
- Giá Dầu Crude Oil tra cứu tại đây.
- Giá Khí tự nhiên tra cứu tại đây.
- Giá Phân bón Ure Thế giới tra cứu tại đây.
- Giá Phân bón Ure Trung Quốc tra cứu tại đây.
- Giá Phân bón DAP Trung Quốc tra cứu tại đây.
-------------------------------------------------------------------
4. Yếu tố vĩ mô cần lưu ý khi nghiên cứu Ngành Phân bón
Hiện tại giá Phân bón trong nước cao hơn giá Phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% do không được khấu trừ. Nếu Luật thuế VAT sửa đổi được thông qua, giá thành sản xuất Phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán Phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.
-------------------------------------------------------------------
Trên đây là bài viết về Chuỗi giá trị Ngành Phân bón. Bài viết nhằm mục đích tìm hiểu doanh nghiệp và cung cấp thông tin tham khảo cho Nhà đầu tư, được dựa trên những dự đoán, đánh giá và số liệu phân tích tại thời điểm thực hiện. Dù vậy trên thị trường chứng khoán chứa đựng các biến số có thể tác động đến cổ phiếu và bản thân thị trường cũng thiên biến vạn hóa nên cần cập nhật lại khi có thông tin mới. Nếu có thắc mắc hoặc cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm tại đây. Chúc anh em luôn giữ được bình tĩnh, tự tin khi đầu tư!
-------------------------------------------------------------------
Tham khảo