Chuỗi giá trị ngành Dệt may

Ngành Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, góp phần lớn vào GDP và kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về ngành này, chúng ta cần phân tích chuỗi giá trị của nó từ khâu nguyên liệu đến khi sản phẩm hoàn thành và xuất khẩu. Điều này giúp định hình được vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị Ngành. Bài viết sau sẽ đề cập đến Chuỗi giá trị của Ngành Dệt may và các vấn đề liên quan. Bài viết gồm các nội dung:

  • Chuỗi giá trị ngành Dệt may
  • Ngành Dệt may tại Việt Nam
  • Tra cứu biến động giá Dệt may và nguyên liệu tại đâu?
  • Yếu tố vĩ mô cần lưu ý khi nghiên cứu ngành Dệt may

----------------------------------------------------------------

1. Chuỗi giá trị ngành Dệt may

Chuỗi giá trị ngành Dệt may (Gereffi và Memodovic, 2003, VNIStock.net tổng hợp) (Link ảnh gốc)
Giá trị thặng dư của chuỗi sản xuất (Link ảnh gốc)

Chuỗi giá trị ngành Dệt may bao gồm các giai đoạn từ sản xuất nguyên liệu thô, dệt nhuộm, may mặc đến phân phối sản phẩm cuối cùng. Gồm 5 giai đoạn chính:

1.1. Thiết kế

  • Đặc điểm: Đây là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng nắm bắt xu hướng thời trang toàn cầu.
  • Vai trò: Các nước đi trước trong ngành công nghiệp Dệt may thường tập trung vào nghiên cứu và thiết kế để tạo ra các thương hiệu nổi tiếng, qua đó đạt được lợi nhuận cao nhất.
1.2. Sản xuất nguyên phụ liệu
  • Đặc điểm: Đây là mắt xích quan trọng hỗ trợ cho ngành Dệt may mặc phát triển, bao gồm sản xuất nguyên liệu chính (vải) và phụ liệu (chỉ may, khóa kéo, cúc,...).
  • Vai trò: Giá trị của nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn và quyết định chất lượng sản phẩm. Sự phát triển của khâu này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành Dệt may.
1.3. May
  • Đặc điểm: Khâu này sử dụng lao động nhiều nhất nhưng có tỷ suất lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 10 - 15%).
  • Vai trò: Các nước mới gia nhập ngành thường tham gia vào khâu may đầu tiên vì không đòi hỏi đầu tư cao về công nghệ. Việc gia công cho các nước phát triển hơn là phổ biến ở các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam và Pakistan .
1.4. Mạng lưới xuất khẩu
  • Đặc điểm: Khâu này sử dụng nhiều tri thức, gồm các công ty May mặc có thương hiệu, các văn phòng mua hàng và các công ty thương mại.
  • Vai trò: Các công ty như Mast Industries, Nike, và Reebok thường không sản xuất trực tiếp mà hợp đồng gia công ở các quốc gia khác. Họ đóng vai trò trung gian, kết nối chuỗi cung ứng giữa nhà sản xuất và các nhà bán lẻ toàn cầu, nắm giữ phần lớn giá trị trong chuỗi.
1.5. Thương mại hóa
  • Đặc điểm: Bao gồm mạng lưới Marketing và phân phối sản phẩm, cũng là khâu có tỷ suất sinh lợi cao nhất.
  • Vai trò: Các nhà bán lẻ lớn nắm giữ khâu này, thu về lợi nhuận khổng lồ. Họ không trực tiếp sản xuất mà chỉ phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xu hướng thời trang và quản lý kênh phân phối toàn cầu.

----------------------------------------------------------------

2. Ngành Dệt may Việt Nam

Việt Nam phụ thuộc vào các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, EU.

2.1. Nguyên liệu đầu vào

Bao gồm bông, sợi và các loại vải. Theo ước  tính của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam VCOSA,  nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu trong nước. Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là bông từ Úc, Mỹ, Brazil. 

Nhập khẩu Bông tại Việt Nam năm 2022, 2023 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)

Nhập khẩu Xơ, Sợi dệt tại Việt Nam năm 2021 - 2024 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)

2.2. Sản xuất sợi và dệt nhuộm

Quy trình sản xuất sợi từ Bông và các loại sợi khác, sau đó dệt thành vải. Ngành Dệt của Việt Nam còn hạn chế về công nghệ và quy mô, đặc biệt là trong khâu nhuộm và hoàn tất sản phẩm. Đây được coi là điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị của ngành Dệt may Việt Nam. Xuất phát từ quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, và các quy định chặt chẽ về môi trường làm cho chi phí sản xuất Khâu Dệt, nhuộm lên cao, và khó cạnh tranh so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.

Việc yêu cầu của các hiệp định thương mại, nguyên vật liệu đầu vào của các loại hàng hóa phải xuất phát từ nội địa hoặc các nước thành viên, thì mới được hưởng các chính sách ưu đãi thuế nên đây là điểm khiến Dệt may Việt Nam chưa thể tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để đi vào các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.

Nhập khẩu Vải tại Việt Nam năm 2021 - 2024 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)

Nhập khẩu Nguyên phụ liệu Dệt may năm 2021 - 2024 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)

2.3. May mặc

Đây là khâu mạnh nhất của Việt Nam với năng lực sản xuất lớn và lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn hoạt động ở mức gia công (CMT) hoặc FOB với giá trị gia tăng thấp, chỉ khoảng 10%-20% biên lợi nhuận.

Xuất khẩu Hàng Dệt may của Việt Nam trong năm 2023 (VNIStock.net) (Link ảnh gốc)

Tìm hiểu rõ hơn về 3 phương thức Xuất khẩu hàng Dệt may chính hiện tại là CMT, FOB và ODM.
  • Gia công hàng xuất khẩu - CMT (Cut - Make - Trim): Phương thức này đơn giản nhất, trong đó các doanh nghiệp chỉ thực hiện công đoạn cắt, may và hoàn thiện sản phẩm. Tất cả nguyên liệu và mẫu thiết kế đều được cung cấp bởi khách hàng, và doanh nghiệp gia công chỉ cần có khả năng sản xuất và một chút khả năng thiết kế.
  • FOB (Free-On-Board): Phương thức này phức tạp hơn CMT, các doanh nghiệp theo phương thức FOB phải chủ động trong toàn bộ quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến khi ra sản phẩm cuối cùng. Các cấp độ của FOB bao gồm 3 cấp độ:
    • FOB I: Doanh nghiệp mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp do khách hàng chỉ định.
    • FOB II: Doanh nghiệp nhận mẫu thiết kế từ khách hàng nhưng phải tự tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất và vận chuyển sản phẩm tới cảng của khách.
    • FOB III: Doanh nghiệp tự thiết kế, sản xuất mà không có sự ràng buộc từ khách hàng, đồng thời phải có khả năng marketing và hậu cần tốt.
  • ODM (Original Design Manufacturing): Đây là phương thức xuất khẩu cao cấp nhất, doanh nghiệp không chỉ sản xuất mà còn tự thiết kế sản phẩm và bán thiết kế này cho các thương hiệu lớn. Sau khi bán thiết kế, doanh nghiệp không có quyền tự sản xuất các mẫu tương tự nếu không có sự ủy quyền từ người mua. Thông thường chỉ có các doanh nghiệp xuất sắc với trình độ cao về thiết kế và tri thức mới có thể thực hiện được phương thức này.

2.4. Marketing và Phân phối sản phẩm

Hoạt động này hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Hiện tại đa số thuộc các thị trường như EU, Nhật, Mỹ khi sở hữu những thương hiệu lớn, hàng đầu, có chuỗi siêu thị bán lẻ và bán sỉ sản phẩm.

Top 5 quốc gia xuất khẩu Dệt may và Mặc thế giới 2023 (groyyo.com) (Link ảnh gốc)

-------------------------------------------------------------------

3. Tra cứu biến động giá Dệt may và nguyên liệu tại đâu?

Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, đầu vào trong chuỗi giá trị Dệt may bao gồm có: Bông, Sợi, Vải,... Do vậy việc nắm được sự thay đổi giá của mặt hàng này là tương đối quan trọng. Chúng ra có thể tra cứu giá các sản phẩm này tại đây:
  • Giá Sợi Cotton Mỹ tra cứu tại đây.
  • Giá Sợi Cotton Trung Quốc tra cứu tại đây.
  • Giá PET Trung Quốc tra cứu tại đây.
  • Giá Bông Cotton Trung Quốc tra cứu tại đây.
Ngoài ra một số các chỉ số cần chú ý là Cước vận tải biển cũng ảnh hưởng đến ngành Dệt may.

-------------------------------------------------------------------

4. Yếu tố vĩ mô cần lưu ý khi nghiên cứu ngành Dệt may

Bên cạnh các yếu tố về Nguyên liệu và giá sản phẩm, một số yếu tố vĩ mô cũng cần được chú ý khi phân tích Ngành này như sau:
  • Biến động Tỷ giá. Do đặc thù xuất khẩu chủ lực nên tỷ giá hối đoái là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Ví dụ năm 2023 Mỹ là quốc gia xuất khẩu lớn nhất nên tỷ giá USD trôi sẽ tác động tích cực.
  • Các hiệp định thương mại. Ví dụ như EVFTA có lộ trình giảm thuế và những yêu cầu về chuỗi giá trị của doanh nghiệp, những Doanh nghiệp đáp ứng được đủ nhu cầu sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường và các khách hàng mới.
  • Các yếu tố về tiêu chuẩn xanh ESG. Hiện tại việc bảo vệ môi trường được ưu tiên và khi xuất vào các thị trường khó tính như EU thì Doanh nghiệp cần đáp ứng được điều kiện để có thể được chấp nhận xuất khẩu.
  • Sự Cạnh tranh. Năm 2023 Bangladesh đã vươn lên đứng thứ 2 về xuất khẩu Dệt may trên thế giới do vấn đề giá cả. Trung bình lương tối thiểu ở Bangladesh là 75 USD/tháng, ở Việt Nam là 199 USD/tháng và Trung Quốc là 300 USD/tháng. Sự biến động chính trị của các Quốc gia cạnh tranh có thể tác động tích cực đến Ngành Dệt may Việt Nam.
  • Nguồn Nhân lực. Dệt may là ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, thông thường thời gian để đào tạo 1 nhân lực lành nghề là khoảng 3-6 tháng, trong thời gian đào tạo rủi ro chi phí sản xuất đào tạo.
-------------------------------------------------------------------

Trên đây là bài viết về Chuỗi giá trị Ngành Dệt may. Bài viết nhằm mục đích tìm hiểu doanh nghiệp và cung cấp thông tin tham khảo cho Nhà đầu tư, được dựa trên những dự đoán, đánh giá và số liệu phân tích tại thời điểm thực hiện. Dù vậy trên thị trường chứng khoán chứa đựng các biến số có thể tác động đến cổ phiếu và bản thân thị trường cũng thiên biến vạn hóa nên cần cập nhật lại khi có thông tin mới. Nếu có thắc mắc hoặc cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm tại đây
Chúc anh em luôn giữ được bình tĩnh, tự tin khi đầu tư!

-------------------------------------------------------------------
Tham khảo

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn