Chuỗi giá trị Ngành Dầu khí

Dầu khí là ngành có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, góp phần vào GDP và kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Hoạt động trong Ngành có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn với đặc điểm là chịu tác động và nhạy cảm với giá Dầu thế giới. Bài viết này sẽ phân tích chuỗi giá trị để giúp định hình được cái nhìn tổng quan về vai trò của các Doanh nghiệp tham gia trong Ngành. Bài viết gồm các phần:
  • Chuỗi giá trị Ngành Dầu khí.
  • Đặc điểm của Ngành Dầu khí.
  • So sánh Dầu WTI và Dầu Brent.
  • Tra cứu biến động giá Dầu khí tại đâu?
----------------------------------------------------------------

1. Chuỗi giá trị Ngành Dầu khí

Chuỗi giá trị Ngành Dầu khí (Link ảnh gốc)

Chuỗi giá trị ngành Dầu khí hiện đang được chia thành 3 phân khúc chính là Thượng nguồn, Trung nguồn và Hạ nguồn:
  • Thượng nguồn: Diễn ra hoạt động khoan, thăm dò, khai thác dầu khí để có dầu thô, khí ẩm và các hoạt động phụ trợ như cơ khí, lắp đặt dàn khoan, cung cấp dịch vụ khoan, lắp đặt các đường ống dẫn dầu. Khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ gắn liền với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Kết quả kinh doanh biến động cùng chiều với giá dầu nhưng thường có độ trễ 6 - 12 tháng do doanh nghiệp thực hiện theo hợp đồng ký kết, và có tác động sau khi ký kết hợp đồng mới.
  • Trung nguồn: Quá trình xử lý, vận chuyển dầu từ giàn khoan, mỏ về đến nơi xong lưu trữ. Giai đoạn này có GAS hiện đang mua lại và vận chuyển đến các nhà máy xử lý khí (GPP) bằng hệ thống đường ống dẫn khí ngoài khơi và trên bờ để làm sạch khí khô bằng cách tách tạp chất để thu về khí thiên nhiên tinh khiết, còn gọi là khí khô với thành phần chính là khí metan. Nếu hoạt động nhập khẩu khí được thực hiện, các tàu vận chuyển và/hoặc tái hoá khí sẽ đóng vai trò như các nhà máy xử lý khí. Nguồn khí khô này, sau đó, sẽ được dự trữ ở các kho chứa ở tại các cảng khí trực thuộc PVN, Tổng Công Ty Kinh Doanh Khí Miền Nam (PGS), hoặc Công Ty Cổ Phần CNG Việt Nam (CNG) để phân phối.
  • Hạ nguồn: Phân phối và sản xuất các sản phẩm từ dầu. Sau khi nhận được xăng dầu hoặc khí thành phẩm, những doanh nghiệp phân phối này sẽ cung cấp đến tay người tiêu dùng như Xăng dầu, Điện khí, Đạm, Khu công nghiệp. Liên quan đến Nhà máy Phân bón và Điện có thể xem thêm tại bài viết Chuỗi giá trị Ngành Phân bónChuỗi giá trị Ngành Điện.
Các doanh nghiệp trong ngành dầu khí thường hoạt động theo các phân khúc khác nhau, từ khai thác, cung cấp dịch vụ, đến lọc và phân phối sản phẩm. Để hiểu rõ hơn về từng phân khúc, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng cách mà các doanh nghiệp này tăng doanh thu và lợi nhuận của họ.

----------------------------------------------------------------

2. Đặc điểm của Ngành Dầu khí

2.1. Doanh nghiệp Khai thác và Cung cấp Dịch vụ

Để doanh thu của các doanh nghiệp trong nhóm thượng nguồn tăng, họ cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có nhiều nhu cầu hơn từ khách hàng. Nhu cầu của khách hàng đến từ hai yếu tố chính:
  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh: Khi giá dầu tăng, lợi nhuận từ khai thác dầu cũng tăng.
  • Phục hồi kinh tế: Khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu về năng lượng để sản xuất kinh doanh tăng lên, từ đó làm tăng nhu cầu về dịch vụ khai thác dầu khí. Giá dầu cũng sẽ có xu hướng tăng theo nhu cầu này.

Chu kỳ giá dầu và tác động đến doanh nghiệp

Giá dầu Brent giai đoạn 2008 - 2024 (TradingEconomics) (Link ảnh gốc)


Giá dầu thường biến động theo chu kỳ. Ví dụ, từ năm 2009 đến 2022, giá dầu đã trải qua nhiều giai đoạn tăng giảm khác nhau do các yếu tố kinh tế, chính trị như đại dịch COVID-19, căng thẳng chính trị và các chính sách tiền tệ. Những biến động này có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

Tương quan Giá dầu Brent và Lãi ròng PVD & PVS giai đoạn 2008 - Q2/2024 (PVD, PVS, VNIStock.net tổng hợp) (Link ảnh gốc)

Điểm hòa vốn khai thác Dầu khí tại Việt Nam là khoảng 55 USD/thùng. Khi giá dầu tăng, các doanh nghiệp khai thác dầu sẽ có lợi nhuận cao hơn, kích thích việc khai thác và cung cấp dịch vụ nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự gia tăng lợi nhuận không diễn ra ngay lập tức mà có độ trễ, thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng do thời gian ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí. Dù giá Dầu thô giảm mạnh, doanh nghiệp vẫn thực hiện công việc theo hợp đồng cũ với đơn giá cố định nên biến động giá dầu thô chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Giá thuê Jackups khu vực Đông Nam Á giai đoạn 07/2021 đến 06/2024 (S&P Global) (Link ảnh gốc)

Hình trên là giá thuê giàn khoan tự nâng (Jackup) khu vực Đông Nam Á và hiệu suất sử dụng. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global và IHS Markit cho thấy, giá cước thuê giàn Jackup 301-400 IC vẫn đang có xu hướng duy trì ở mức cao khoảng 120.000 USD/ngày với hiệu suất hoạt động khoảng 90%. Nhìn chung xu hướng này diễn ra cùng chiều với giá dầu thô trên thế giới.

2.2. Doanh nghiệp Phân phối Khí

Đại diện cho Doanh nghiệp này là GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý khí chủ yếu hoạt động ở khu vực phía Nam, và do PVGas đảm nhiệm. Về cơ chế hoạt động, như đã nói ở trên, khí thiên nhiên sau khi được khai thác sẽ được PVGas mua lại sau đó vận chuyển đến các nhà máy xử lý khí. Cơ cấu tiêu thụ khí ở Việt Nam là dành cho Điện khí, sản xuất Phân bón vvvà 1 phần cho các ngành công nghiệp khác tiêu thụ.

Giá miệng giếng, hay còn gọi là giá mua khí tại các mỏ khí chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giá hợp đồng dài hạn và, đặc biệt là giá dầu.

Giá mua khí = MAX (46% giá HSFO Singapore, Giá miệng giếng) + Phí vận chuyển (GAS)

Vì lẽ này nên biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này thường đồng pha với giá dầu và có mức giá sàn cố định. Do đó, khi giá dầu tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối khí cũng sẽ tăng. Ngược lại, nếu giá dầu giảm, lợi nhuận của họ vẫn được bảo vệ ở một mức nhất định nhờ giá sàn.

Các yếu tố thời tiết cũng tác động đến nhu cầu sử dụng khí. Ví dụ, vào mùa khô, khi việc sử dụng thủy điện giảm, nhu cầu sử dụng điện khí sẽ tăng, từ đó đẩy giá khí lên cao và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành này.

2.3. Doanh nghiệp Lọc hóa dầu và Phân phối Xăng dầu

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp lọc dầu là BSR – CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn và Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhóm doanh nghiệp này hoạt động bằng cách lọc dầu thô thành xăng dầu thành phẩm và phân phối cho người tiêu dùng. Lợi nhuận của họ phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa giá dầu thô đầu vào và giá xăng dầu đầu ra.

Crack Spreads giai đoạn 2020 - 2024 (MacroMicro) (Link ảnh gốc)

Chênh lệch giá Crack (Crack Spreads) là khoảng khác biệt về giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ nó. Là một dạng biên lợi nhuận gộp từ quá trình gia công (gross processing margin) của một ngành, tỷ lệ này tăng sẽ dẫn đến lợi nhuận cao hơn. Hiện tại giá Crack đang có xu hướng đi ngang quanh vùng giá đáy 3 năm trở lại đây.

Nhóm doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX và OIL nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nhà máy lọc dầu như BSR, sau đó phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, giá bán xăng dầu của họ lại bị kiểm soát bởi giá cơ sở do chính phủ quy định, nên lợi nhuận của họ phụ thuộc nhiều vào sản lượng bán ra và khả năng quản lý chi phí hoạt động.

----------------------------------------------------------------

3. So sánh Dầu WTI và Dầu Brent

Khi tìm hiểu Ngành Dầu khí, có thể bạn sẽ bắt gặp khái niệm dầu Brent và dầu WTI, phần này sẽ phân biệt sự khác nhau giữa 2 loại dầu này.

Dầu WTI (West Texas Intermediate) là một loại dầu thô tiêu chuẩn được khai thác tại các mỏ dầu của Mỹ, đặc biệt là ở Texas. Đây là loại dầu nhẹ, chứa ít tạp chất lưu huỳnh hơn Brent (0,24% so với 0,37%), nên được gọi là dầu "ngọt". Chính vì những đặc tính này mà dầu WTI được ưa chuộng và định giá cao trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Sự chênh lệch giá giữa WTI và Brent chủ yếu do vị trí địa lý và chi phí vận chuyển. Trong khi dầu Brent chủ yếu được khai thác từ các mỏ ở Biển Bắc, dầu WTI lại có nguồn gốc từ khu vực nội địa Mỹ, gần các trung tâm tiêu thụ và các cơ sở lọc dầu lớn. Cụ thể hơn bạn có thể xem bảng dưới.

So sánh Dầu WTI và Dầu Brent (Link ảnh gốc)

----------------------------------------------------------------

4. Tra cứu biến động giá Dầu khí tại đâu?
  • Giá Dầu WTI Crude Oil tra cứu tại đây.
  • Giá Dầu Brent Oil tra cứu tại đây.
  • Giá Khí tự nhiên tra cứu tại đây.
  • Giá Xăng dầu Việt Nam tra cứu tại đây.
----------------------------------------------------------------

Trên đây là bài viết về Chuỗi giá trị Ngành Dầu khí. Bài viết nhằm mục đích tìm hiểu doanh nghiệp và cung cấp thông tin tham khảo cho Nhà đầu tư, được dựa trên những dự đoán, đánh giá và số liệu phân tích tại thời điểm thực hiện. Dù vậy trên thị trường chứng khoán chứa đựng các biến số có thể tác động đến cổ phiếu và bản thân thị trường cũng thiên biến vạn hóa nên cần cập nhật lại khi có thông tin mới. Nếu có thắc mắc hoặc cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm tại đây
Chúc anh em luôn giữ được bình tĩnh, tự tin khi đầu tư!

-------------------------------------------------------------------
Tham khảo

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn