Ngày Giao dịch không hưởng quyền, Ngày Đăng ký cuối cùng, Ngày Thanh toán là gì?

Đối với những nhà đầu tư mới, khi bắt đầu tìm hiểu đến khái niệm chứng khoán thường bị nhầm lẫn giữa khái niệm Ngày Giao dịch không hưởng quyền, Ngày Đăng ký cuối cùng (ĐKCC) và Ngày Thanh toán khi muốn có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán được hưởng quyền. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về các khái niệm trên để nhà đầu tư hiểu rõ trước khi tham gia giao dịch mua bán cổ phiếu.

----------------------------------------

1. Ngày Đăng ký cuối cùng là gì?

Một doanh nghiệp sau khi tổng kết năm có lãi, sẽ bắt đầu tính đến hình thức chia lại một phần lãi kiếm được cho các cổ đông của công ty. Tổ chức phát hành sẽ chọn ra 1 ngày cụ thể để chốt danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán để thực hiện quyền của cổ đông. Tại Ngày Đăng ký cuối cùng (Ngày Chốt danh sách cổ đông), cổ đông có tên trong danh sách sẽ được nhận các quyền của mình như quyền nhận cổ tức, quyền tham dự đại hội cổ đông, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…

----------------------------------------

2. Ngày Giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ở mục trên chúng ta đã biết Ngày Đăng ký cuối cùng (Ngày chốt danh sách cổ đông) là ngày những cổ đông nắm giữ sẽ được nhận quyền. Nhưng danh sách này lấy từ đâu ra? Câu hỏi này đã mở ra một vấn đề và Ngày Giao dịch không hưởng quyền ra đời. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền tham dự đại hội cổ đông, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…).

Mục đích là của ngày Giao dịch không hưởng quyền là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại. Do đó Ngày Giao dịch không hưởng quyền sẽ nằm trước Ngày Đăng ký cuối cùng 1 ngày làm việc.

----------------------------------------

3. Ngày thanh toán là gì?

Ngày thanh toán là ngày dự kiến Cổ tức bằng tiền mặt sẽ được trả về tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư. Do tính chất chắc chắn nên Tổ chức phát hành thường chỉ công bố thời gian thanh toán khi chi trả cổ tức tiền mặt, còn Cổ tức bằng cổ phiếu thì Tổ chức phát hành sẽ không định sẵn ngày mà sẽ thông báo sau đó đến nhà đầu tư sau đó.

----------------------------------------

4. Mối quan hệ giữa Ngày Đăng ký cuối cùng và Ngày Giao dịch không hưởng quyền

Theo quy định, thời hạn thanh toán là T+2 đối với các giao dịch bình thường. Tức là chiều ngày T+2 hay 02 ngày làm việc, thì chứng khoán hoặc tiền sẽ về tài khoản của nhà đầu tư. Để dễ hình dung chúng ta có thể nhìn vào sơ đồ dưới.

Nhà đầu tư mua cổ phiếu trước thời điểm T+0 sẽ có tên trong danh sách được nhận quyền của Tổ chức phát hành.
Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và bán từ thời điểm T+1 sẽ có tên trong danh sách được nhận quyền của Tổ chức phát hành.
Trong khi đó nhà đầu tư mua cổ phiếu từ ngày T+1 trờ về sau sẽ không có tên trong danh sách hay không được nhận quyền, vì giao dịch chưa được thanh toán.

Ví dụ:

Thông báo chi trả cổ tức tiền mặt năm 2019 của HT1 (Link ảnh gốc)

HT1 công bố chi trả cổ tức 2019 bằng tiền mặt, tỷ lệ 12%, ngày Đăng ký cuối cùng là 30/11/2020, ngày thực hiện chi trả (ngày Thanh toán) là 11/12/2020.

Từ dữ liệu trên ta tổng hợp được thông tin:

(1) Ngày Đăng ký cuối cùng là 30/11/2020.

(2) Ngày Giao dịch không hưởng quyền là ngày làm việc liền trước ngày Đăng ký cuối cùng, nghĩa là ngày 27/11/2020 (ngày 28/11 và 29/11 là thứ 7 và Chủ nhật).

Như vậy nhà đầu tư mua cổ phiếu HT1 từ ngày 27/11/2020 trở đi sẽ không nhận được quyền cổ tức lần này.

Muốn nhận cổ tức, nhà đầu tư cần mua cổ phiếu HT1 trước ngày 27/11/2020, nghĩa là từ ngày 26/11/2020 trở về trước đó.

--------------------------------------------------

Trên đây là nội dung về Ngày Giao dịch không hưởng quyền, Ngày Đăng ký cuối cùng và Ngày thanh toán. Liên quan đến nhóm bài này còn có bài Cách tính giá tham chiếu trong Ngày giao dịch không hưởng quyền. Nếu có vướng mắc bạn liên hệ trực tiếp mình để được mình hỗ trợ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn