Mệnh giá, Giá trị sổ sách, Thị giá Chứng khoán là gì?

Ở bài viết về Cách xem bảng giá Chứng khoán, có một số khái niệm được đề cập đến như Mệnh giá, Thị giá hay Giá trị sổ sách. Phần này cũng nhiều anh em hay bị nhầm lẫn khi mới tham gia Thị trường Chứng khoán. Bài viết này sẽ đề cập đến từng khái niệm và các vấn đề liên quan, những nội dung chính bao gồm:
  • Mệnh giá Chứng khoán
  • Giá trị sổ sách Chứng khoán
  • Thị giá Chứng khoán
-----------------------------------------------------
1. Mệnh giá Chứng khoán

Chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm thông qua ví dụ sau:

Có 2 người bạn A, B cùng góp vốn 1 tỷ đồng thành lập công ty kinh doanh Mỹ phẩm với tỷ lệ góp vốn như sau: A góp 600 triệu tức 60%, B góp 400 triệu tức 40%. Sau 1 thời gian kinh doanh thuận lợi, A muốn bán lại 100 triệu để đáp ứng nhu cầu cá nhân, và ngỏ ý B mua lại nhưng B không có đủ tiền. Sau đó A và B đã họp và quyết định thống nhất chia 1 tỷ dồng thành 100.000 phần, mỗi cổ phiếu đại diện cho vốn góp 10.000 đồng. Việc chuyển giao cổ phiếu của A sang cho người khác là tự làm với nhau. Sau khi chuyển giao, lúc này vốn góp thực tế là: A góp 500 triệu tức 50%, B góp 400 triệu tức 40%, cổ đông C mua lại của A góp 100 triệu tức 10%.
Như vậy, mỗi phần nói trên đại diện cho mệnh giá 10.000 đồng. Có thể hiểu Mệnh giá Chứng khoán là giá gốc của 1 cổ phiếu hoặc 1 trái phiếu khi góp vốn ban đầu.

Đặc điểm:
Mệnh giá chứng khoán tại Việt Nam luôn luôn là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là giá trị mặc định và không bị ảnh hưởng bởi giá trị thị trường.


Ý nghĩa:
Mệnh giá giúp xác định được số lượng cổ phần và Số tiền được nhận khi trả cổ tức tiền mặt.


Ví dụ:

Bảng cân đối kế toán kiểm toán 2021 của DGC (Link ảnh gốc)

Để tính số lượng cổ phiếu đã đăng ký của DGC trong ví dụ trên, chỉ cần lấy Vốn góp của Chủ sở hữu / 10.000 = 1.710.805.560.000 / 10.000 = 171.080.556 cổ phiếu.
Lịch trả cổ tức DGC (Cafef) (Link ảnh gốc)

DGC thông báo Ngày Giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt 2021 tỷ lệ 10% là ngày 29/12/2021. Số cổ tức tiền mặt Nhà đầu tư nhận được là Mệnh giá x tỷ lệ cổ tức = 10.000 x 10% = 1.000 đồng. Nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ đóng 5% thuế, tương đương với 50 đồng trong trường hợp này. Cụ thể hơn bạn có thể xem bài viết Cách tính giá tham chiếu trong Ngày giao dịch không hưởng quyền.
-----------------------------------------------------
2. Giá trị sổ sách Chứng khoán
 
Giá trị sổ sách (Book Value) là giá trị của một doanh nghiệp được xác định theo sổ sách kế toán, có thể là báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo tháng, quý, bán niên hoặc 1 năm.

Ý nghĩa: Book Value giúp Nhà đầu tư đánh giá nhanh doanh nghiệp xem trong trường hợp giải thể và bán hết tài sản, trả các khoản nợ thì Chủ sở hữu nhận lại được bao nhiều tiền.
Một số liệu hay được các Nhà đầu tư sử dụng nhiều hơn để so sánh với giá cổ phiếu trên thị trường là Giá trị sổ sách/cổ phiếu (Book Value Per Share - BVPS). Qua đó đưa ra quyết định đầu tư.

Công thức tính giá trị sổ sách:

Giá trị sổ sách (Book Value) = Vốn chủ sở hữu – Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Giá trị sổ sách / cổ phiếu (BVPS) = Giá trị sổ sách / Số lượng cổ phiếu lưu hành

Ví dụ:
Bảng cân đối kế toán quý 1/2022 của DGC. (Link ảnh gốc)

Dựa vào công thức trên, ta có thể tính được Book Value của DGC trong quý 1/2022 = 7.611.589.983.458 – 326.386.967.308 = 7.285.203.016.150 đồng.
 
Số lượng cổ phiếu đã đăng ký của DGC tính được ở mục 1 là 171.080.556 cổ phiếu. Công ty có 873 cổ phiếu quỹ nên Số lượng cổ phiếu lưu hành = 171.080.556 – 873 = 171.079.683 cổ phiếu.
 
BVPS = Book Value / Số lượng cổ phiếu lưu hành = 7.285.203.016.150 / 171.079.683 = 42.583 đồng/ cổ phiếu.
 
Phương pháp định giá qua BVPS thường có độ trễ, và để chính xác Giá trị sổ sách thì Nhà đầu tư cần xác định được giá trị thị trường của tài sản cần định giá. Ví dụ trường hợp là định giá đất thì có thể vốn đầu tư ban đầu chỉ là 500 triệu, nhưng sau 5 năm giá trị thị trường của mản đất đó tăng lên, lúc này là 5 tỷ nhưng số liệu trên báo cáo tài chính vẫn thể hiện là 500 triệu ban đầu, dẫn đến định giá có thể sai số tài sản thực có của công ty.
-----------------------------------------------------
3. Thị giá Chứng khoán
 
Thị giá chứng khoán là Giá trị thị trường của cổ phiếu, do cung cầu quyết định. Hiểu một cách đơn giản là giá nhấp nháy xanh, đỏ trên bảng giá chứng khoán. Thị giá biến động theo thời gian và chịu tác động của nhiều yếu tố như (1) vĩ mô, chính trị, lãi suất… (2) hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
-----------------------------------------------------

Trên đây là bài viết về Mệnh giá, Giá trị sổ sách, Thị giá Chứng khoán, nếu có vướng mắc hoặc cần giải đáp, anh em có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn