Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

Khi tìm hiểu về vĩ mô, khái niệm Chính sách Tài khóa và Chinh sách Tiền tệ sẽ hay được đề cập đến. Bài viết này tập trung làm rõ bản chất của chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT), những tác động của hai chính sách này đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, qua đó làm rõ mối quan hệ tương tác giữa hai chính sách hướng tới sự phát triển bền vững; đưa ra những vấn đề cần thực hiện để đảm bảo tính tương tác hiệu quả. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình điều hành CSTK và CSTT của Việt Nam, theo đó cần phải dựa trên cơ sở khoa học để lựa chọn chính sách nào là chủ đạo và xác định liều lượng tác động của từng công cụ trong từng thời kỳ; đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc nhất quán, đồng bộ, hỗ trợ và chia sẻ thông tin trên cơ sở lựa chọn các kỹ thuật thực hiện đảm bảo tính khoa học và thực tiễn hướng tới hiệu quả cao nhất trong công tác phối hợp giữa hai chính sách với nhau, nhất là trong việc quản lý nợ công. Bài viết gồm các nội dung:
  • Tổng quan về Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ
  • Tương tác giữa Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ
  • Những vấn đề cần thực hiện để đảm bảo tính tương tác hiệu quả giữa Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ
  • Tổng kết
----------------------------------------------

1. Tổng quan về Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia, trong đó mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn.

Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách của Chính phủ về tài chính, được hoạch định và thực hiện trong một niên khóa tài chính, nhằm tác động đến các định hướng phát triển nền kinh tế, thông qua những thay đổi trong các khoản chi tiêu và thu qua thuế, phí của Nhà nước. CSTK thể hiện các quan điểm, cơ chế và phương thức huy động các nguồn lực tài chính hình thành nên ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính có tính chất tập trung của Nhà nước để thực hiện các khoản chi của NSNN trong từng thời kỳ.

Chi tiêu tài khóa có tác động trực tiếp đến tổng cầu và qua số nhân, ảnh hưởng lớn hơn đến sản lượng, công ăn việc làm. Thuế làm thay đổi thu nhập khả dụng và tiêu dùng, tác động đến giá cả, sản lượng. Thuế còn hạn chế vai trò của số nhân trong quá trình lan truyền tác động của các thành tố tổng cầu. Sản lượng sẽ thay đổi ít hơn khi không có thuế thu nhập. Với nghĩa đó, thuế (như hàm số của thu nhập) có vai trò là một “van” ổn định tự động. Tuy nhiên, việc vận dụng các công cụ CSTK không đơn giản. Tác động của chi tiêu chính phủ còn phụ thuộc khả năng của tổng cung. Nếu tổng cung không đáp ứng việc tăng cầu qua chính sách bành trướng tài khóa có thể dẫn đến lạm phát tăng; điều này càng đúng khi các khoản thâm hụt ngân sách được bù đắp thông qua việc phát hành tiền, thay vì vay nợ nước ngoài và/hoặc vay trong nước qua phát hành trái phiếu.

Ngay khi cung có thể đáp ứng thì tác động của thay đổi chi tiêu ngân sách còn phụ thuộc vào thị trường tài chính, tiền tệ. Tác động mạnh nhất khi nền kinh tế trong trạng thái của “bẫy thanh khoản”, nghĩa là khi công chúng sẵn sàng cầm giữ bất cứ lượng tiền tệ cung ứng nào. Ngoài ra, bành trướng tài khóa còn làm tăng lãi suất, giảm đầu tư tư nhân, hạn chế nhiều ý nghĩa của biện pháp bành trướng tài khóa, chưa tính tới việc có thể làm giảm mức cung trong dài hạn. Hiện tượng thoái lui đầu tư tư nhân thường được xem là một lý do quan trọng của việc tăng cường chi ngân sách cho kết cấu hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế cũng chỉ được xem như một hành động tạm thời của Nhà nước; thâm hụt ngân sách hôm nay được bù đắp nhờ vay mượn là dấu hiệu tăng thuế trả nợ trong tương lai. Vì vậy, giảm thuế chỉ là tiết kiệm phần cắt giảm thuế, tác động không đáng kể lên thu nhập thường xuyên và tiêu dùng (giả thuyết Barro-Ricardo).

Chính sách tiền tệ thực chất là tổng thể các biện pháp, công cụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi phối, điều tiết quá trình cung ứng tiền, lãi suất và tín dụng, tức là thông qua chi phối dòng chu chuyển tiền và khối lượng tiền để đạt được các mục tiêu của quản lý kinh tế vĩ mô. Một CSTT nới lỏng sẽ làm tăng cung tiền, giảm lãi suất do thúc đẩy đầu tư tăng tổng cầu và có thể làm gia tăng lạm phát, bởi tăng tiền quá lớn làm vượt mức sản lượng tiềm năng. Ngược lại, một CSTT thắt chặt sẽ có tác động làm giảm tổng cầu, nhờ đó kiềm chế được lạm phát. Chính sách tiền tệ tác động đến các biến mục tiêu vĩ mô thông qua việc thay đổi cung tiền và lãi suất. Cung tiền thường chỉ điều tiết một cách gián tiếp tổng cầu bằng cơ chế lan truyền nhờ sự thay đổi của lãi suất để cân bằng lại thị trường tiền tệ qua việc điều chỉnh sự lựa chọn các tài sản tài chính. Trong trạng thái “bẫy thanh khoản”, CSTT hầu như không có tác dụng đối với lãi suất cũng như sản lượng, thu nhập và công ăn việc làm. Tương tự đối với CSTK, tác động của CSTT còn phụ thuộc vào khả năng phản ứng của tổng cung và quan hệ giữa cung tiền tệ, lãi suất và lạm phát.

----------------------------------------------

2. Tương tác giữa Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

Trong ngắn hạn, CSTK có tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn CSTT. CSTK tác động trực tiếp và gián tiếp lên tổng cầu của nền kinh tế thông qua các quyết định thu, chi, hoặc tác động lên lãi suất1. Điều đó làm ảnh hưởng đến tiền lương và giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát2. Về mặt lý thuyết, những ảnh hưởng của CSTK lên các kênh truyền dẫn của CSTT, nhưng trên thực tế rất khó lượng hóa mức độ ảnh hưởng này trong ngắn hạn.

Trong dài hạn, CSTK có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của CSTT. Nếu một CSTK kém bền vững được áp dụng lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu CSTT. Kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và tạo ra rủi ro đối với ổn định thị trường tài chính. Thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính của Chính phủ có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho các thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ. Ngoài ra, CSTK còn có ảnh hưởng đến dòng chu chuyển vốn quốc tế, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát luồng ngoại tệ ra, vào đất nước của NHNN, gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Chính sách thu và chi tài khóa xây dựng không hợp lý sẽ có tác động tiêu cực đối với quá trình phân bổ nguồn lực, làm tăng rủi ro liên quan đến dòng vốn quốc tế.

Trong khi đó, CSTT cũng có ảnh hưởng nhất định đến CSTK. CSTT với mục tiêu trung hạn là ổn định giá cả, giá trị đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc kiểm soát lãi suất và cung tiền. CSTT thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư, thu hẹp sản xuất, dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách của Chính phủ; một sự tăng, giảm lãi suất từ CSTT sẽ ảnh hưởng đến giá trái phiếu chính phủ (TPCP), điều đó cũng ảnh hưởng đến cân đối ngân sách; sự gia tăng tỷ giá (đồng bản tệ giảm) sẽ làm gia tăng khoản nợ chính phủ bằng đồng ngoại tệ quy đổi.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, CSTT và CSTK phụ thuộc lẫn nhau, thay đổi của chính sách nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách kia. Hơn nữa, trong thực tế, hai chính sách này lại do hai cơ quan khác nhau điều hành, vấn đề đặt ra là cần đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa hai chính sách này hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tức là phải có sự phối hợp trong điều hành CSTT và CSTK giữa NHNN và Bộ Tài chính.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, để đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa CSTK và CSTT nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế thì các nguyên tắc cơ bản về sự phối hợp giữa hai chính sách này trong quá trình thực thi cần được đảm bảo tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản: (i) Cần có sự nhất quán về mục tiêu chính sách nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát ổn định, tăng trưởng bền vững và tạo công ăn việc làm cao; (ii) Trong quá trình thực thi, cần tạo sự đồng bộ, bổ sung cho nhau; (iii) Hỗ trợ và chia sẻ thông tin, thực hiện hiệu quả các quyết định chính sách nhằm đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo tính bền vững của các chính sách.

Trong thực tế áp dụng, vấn đề luôn phải lưu ý đó là, CSTK thường ngay lập tức làm thay đổi tổng cầu, theo đó tác động đến thu nhập và sản lượng nhanh hơn CSTT (độ trễ bên ngoài ngắn hơn). Tuy nhiên, độ trễ bên trong của CSTK lại thường kéo dài hơn so với CSTT. Thêm vào đó, CSTK là chính sách cứng, do được thực hiện theo kế hoạch của Quốc hội phê chuẩn, còn CSTT là chính sách linh hoạt; nếu tận dụng tốt những đặc tính này, có thể tạo ra sự tương tác hiệu quả hơn. Thông thường các nước sẽ thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản trên, tuy nhiên mỗi quốc gia có thể linh hoạt xác định cách thức thực hiện phù hợp với thực trạng của nền kinh tế.

Nhìn lại việc điều hành CSTK và CSTT của Việt Nam từ năm 2007 - 2017 cho thấy, cả ba nguyên tắc trên được thể hiện khá đầy đủ, trong đó nổi bật là sự nhất quán cao về mặt mục tiêu thực hiện thông qua chỉ đạo của Chính phủ trong thời kỳ nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2009; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017. Theo các nghị quyết này, khi cần kiểm soát lạm phát thì CSTT và CSTK thực hiện thắt chặt, khi chống suy giảm kinh tế thì CSTT và CSTK cùng thực hiện nới lỏng, song những gì diễn ra từ năm 2011 đến nay cho thấy, những tác động trễ và cộng hưởng của hai chính sách này đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thì ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế/ngược lại đạt được mục tiêu chống suy giảm kinh tế (năm 2009) thì dẫn đến lạm phát. Vì vậy, để tránh những tác động bất lợi của “hậu” chính sách thì cần thiết phải đề cao tính tương tác, bổ trợ cho nhau của cả hai chính sách khi theo đuổi mục tiêu chung là ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và tạo công ăn việc làm cao thông qua việc lựa chọn cách thức phối hợp trên cơ sở các lý thuyết kinh tế cơ bản, phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế trong từng giai đoạn.

----------------------------------------------

3. Những vấn đề cần thực hiện để đảm bảo tính tương tác hiệu quả giữa Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

(i) Việc quyết định lựa chọn CSTT hay CSTK để làm công cụ tác động nhiều nhất đến tổng cầu hoặc liều lượng tác động của từng công cụ đến tổng cầu bao nhiêu là hợp lý trong từng tình hình kinh tế cụ thể cần dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn. Thực tế điều hành cho thấy, sự tương tác chỉ phát huy hiệu quả khi xác định hợp lý liều lượng trong cơ chế phối hợp. Tuy nhiên, đây là mảng còn yếu trong công tác phối hợp chính sách tại Việt Nam. Đơn cử như để không ảnh hưởng đến sự suy giảm tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì CSTK cần có động thái mạnh trong việc giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ các khoản chi ngân sách trong kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2017, căn cứ vào lượng tiền gửi của Chính phủ tại NHNN tăng mạnh cho thấy, mức độ chi tiêu của khu vực chính phủ giảm, chủ yếu do các công trình xây dựng cơ bản không được giải ngân, trong khi CSTT rất nỗ lực trong việc giảm lãi suất, nới rộng các đối tượng cho vay… điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và nguy cơ tiềm ẩn lạm phát trong tương lai. Hơn nữa, độ trễ của CSTT tác động đến sản lượng chậm hơn CSTK. Vì vậy, có thể thấy sự vận dụng tính tương tác của hai chính sách này trong quá trình điều hành còn hạn chế, ở khía cạnh nào đó làm lãng phí nguồn vốn xã hội nói chung và NSNN nói riêng.

(ii) Cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ trong công tác điều hành CSTT và CSTK cần có sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng, khai thác triệt để những đặc tính riêng có của từng chính sách. CSTT với nội dung cơ bản là kiểm soát cung tiền và lãi suất của nền kinh tế, trong khi đó thu, chi của Chính phủ có tác động trực tiếp đến cung tiền và lãi suất. Xem xét bảng cân đối tiền tệ cho thấy, các hoạt động thu, chi của Chính phủ được phản ánh rõ qua các giao dịch trên tài khoản kho bạc mở tại NHNN hoặc mở tại ngân hàng thương mại. Tiền gửi của Chính phủ tại NHNN là cấu phần quan trọng trong tiền cơ sở3, do vậy cũng là cấu phần quan trọng làm thay đổi M2 trong nền kinh tế. Trong những thời kỳ nguồn thu và chi tiêu của Chính phủ diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển tiền hai chiều trên tài khoản của Chính phủ tại NHNN có thể làm biến động tiền cơ sở của NHNN. Thực tế ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác, sự biến động của tiền gửi kho bạc có những lúc tăng cao đáng kể làm giảm mạnh vốn khả dụng của các NHTM, qua đó làm tăng lãi suất liên ngân hàng. Ngược lại, cũng có khi làm tăng đáng kể vốn khả dụng và giảm lãi suất liên ngân hàng. Điều này gây áp lực nhất định cho việc kiểm soát cung tiền của NHNN trong thực thi CSTT. Đặc biệt ở những nước có một phần tiền gửi kho bạc được gửi tại NHTM thì việc kiểm soát cung tiền và lãi suất của NHNN càng khó khăn hơn. Vì vậy, các khoản thu, chi lớn của Chính phủ ảnh hưởng đến dòng tiền cần được thông báo trước với NHNN để điều chỉnh dòng tiền phù hợp với mục tiêu điều hành.

(iii) Công tác phối hợp trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách và quản lý nợ công là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính tương tác hiệu quả của cả hai chính sách. Một liều lượng hợp lý cho việc bù đắp thâm hụt ngân sách từ hệ thống ngân hàng (bao gồm từ NHNN - tiền phát hành, ngân hàng thương mại), từ vay nước ngoài sẽ hỗ trợ mang lại hiệu quả nhất định cho việc thực thi CSTK và CSTT. Để đảm bảo sự phối hợp tốt trong việc tài trợ này, thông thường hằng năm, các nước phải thiết lập chương trình tài chính quốc gia, gồm các giải pháp vĩ mô đồng bộ, để thực hiện một kế hoạch định lượng về các chỉ tiêu vĩ mô. Trong đó, CSTT và CSTK có sự phối hợp với nhau từ khâu lên kế hoạch đến thực hiện, đưa ra mức bù đắp thâm hụt ngân sách hợp lý từ hệ thống ngân hàng.

Giữa NHNN và Bộ Tài chính, ngoài việc phối hợp trong việc xác định nguồn bù đắp bội chi NSNN bao nhiêu từ hệ thống và bao nhiêu từ khu vực khác (trong nước và ngoài nước), thì cần thiết cần có sự phối hợp trong phát triển thị trường trái phiếu - cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc quản lý nợ công. Thị trường trái phiếu có phát triển thì tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ (TPCP) mới cao, qua đó thu hút được các nguồn vốn nhàn rỗi của các khu vực khác trong nền kinh tế. Đồng thời, thị trường TPCP là nơi tạo ra mức lãi suất dài hạn chuẩn cho thị trường tài chính, vì mức lãi suất này không chứa đựng những yếu tố rủi ro. Trong thị trường này thì vai trò của NHNN rất quan trọng, góp phần làm tăng tính thanh khoản của thị trường. TPCP là một phương tiện quan trọng để NHNN thực thi CSTT, thông qua việc mua bán TPCP mà NHNN tác động mạnh, thậm chí chi phối giá cả trái phiếu trên thị trường. Các tín hiệu thắt chặt hay nới lỏng của CSTT cũng tác động mạnh đến giá TPCP.

Đối với Việt Nam hiện nay, thị trường TPCP chưa phát triển mạnh như các nước, thể hiện là thị trường TPCP chưa hình thành được đường cong lãi suất chuẩn, lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp ít... Do vậy, ảnh hưởng của CSTT đến thị trường trái phiếu, giá TPCP còn hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay TPCP là phương tiện chủ yếu để NHNN thực hiện việc bơm/hút tiền từ nền kinh tế thông qua các công cụ CSTT, đặc biệt là thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tạo tính thanh khoản cho TPCP và hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Nhờ vậy, TPCP là kênh đầu tư an toàn, là danh mục đầu tư đảm bảo thanh khoản của các NHTM. Lượng trái phiếu mà các NHTM mua ngày càng tăng qua các năm. Việc các NHTM mua trái phiếu là điều kiện tốt để có thể huy động nguồn bù đắp thâm hụt ngân sách thuận lợi với chi phí thấp hơn nhiều so với phát hành trái phiếu trực tiếp cho người dân.

Mặt khác, mối quan hệ giữa lãi suất ngắn hạn với lãi suất trung và dài hạn đặt ra mối quan hệ chặt chẽ giữa lãi suất TPCP với lãi suất chỉ đạo của NHNN. Việc xác định mức lãi suất trái phiếu cho thị trường sơ cấp nếu thiếu sự thống nhất với lãi suất chỉ đạo của NHNN sẽ gây ra những bất cập trong việc hình thành giá của sản phẩm tài chính trên thị trường, làm méo nó sự luân chuyển vốn trong xã hội. Chính vì vậy, khi Bộ Tài chính xác định lãi suất TPCP, cần có sự tham chiếu lãi suất chỉ đạo của NHNN. Trên thực tế, giữa NHNN và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp trong việc hình thành lãi suất TPCP. Luật NHNN 1997 và 2010 cũng đã quy định trách nhiệm của NHNN là phải tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành TPCP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Hiện NHNN đang làm đại lý phát hành tín phiếu kho bạc cho Bộ Tài chính, tham gia cùng với Bộ Tài chính xác định mức lãi suất tín phiếu hợp lý. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu cũng cần có cơ chế phối hợp thường xuyên trong việc xác định mức lãi suất trái phiếu, số lượng phát hành trái phiếu, đảm bảo tính nhất quán về lãi suất trên thị trường, tạo cơ sở tốt để hình thành đường cong lãi suất chuẩn, cũng như tính hiệu quả trong quản lý nợ công và NHNN với vai trò đại lý phát hành tín phiếu kho bạc. Trong những trường hợp cần thiết khi lượng tín phiếu kho bạc không bán hết cho các NHTM, NHNN có thể mua để tạo công cụ can thiệp thị trường khi cần thiết, đồng thời cũng đáp ứng kịp thời nguồn thu của Chính phủ.

Trong cơ cấu nợ chính phủ, nợ nước ngoài có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thanh toán quốc gia, sự vay mượn nước ngoài quá mức sẽ đẩy nền kinh tế quốc gia phụ thuộc nhiều vào kinh tế nước ngoài. Bài học về khủng hoảng nợ của Hy Lạp gần đây cho thấy, những quốc gia đang phát triển nóng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, nếu cứ tiếp tục đi vay và sử dụng tiền vay không hiệu quả, chắc chắn sẽ để lại cho thế hệ tương lai một khoản nợ khổng lồ.

Đối với Việt Nam đang cần tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, việc vay nợ nước ngoài là cần thiết, song vay mượn và sử dụng nguồn vốn vay đó như thế nào có hiệu quả là vấn đề phải được quan tâm. Nhiều quốc gia có những bước phát triển kinh tế cao như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc đều phải vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ các quốc gia đó chỉ vay tiền để đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất nhằm phục vụ phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo... Các bài học kinh nghiệm này cho thấy, việc xây dựng một chiến lược nợ nước ngoài của quốc gia để đảm bảo cân đối vĩ mô có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, khi mức độ nợ nước ngoài đang ngày càng gia tăng, trong khi hiệu quả sử dụng vốn vay lại kém hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối; quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; quản lý việc vay, trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế mà NHNN là đại diện và là đại diện chính thức của người vay quy định tại điều ước quốc tế theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ. Do vậy, NHNN có vai trò quan trọng trong việc tham gia chiến lược quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, trong đó có nợ công.

Đứng trên giác độ quản lý rủi ro nợ chính phủ thì sự ổn định tiền tệ, đảm bảo giữ giá trị của đồng tiền quốc gia, hay không để đồng tiền trong nước mất giá, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tê, giảm tình trạng đô la hóa có ý nghĩa quan trọng, không làm gia tăng nợ chính phủ tính theo đơn vị đồng tiền quốc gia. Vấn đề này là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, trong đó NHNN đóng vai trò quan trọng.
----------------------------------------------

4. Những vấn đề cần thực hiện để đảm bảo tính tương tác hiệu quả giữa Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

Sự tương tác giữa CSTT và CSTK hướng tới phát triển bền vững là vấn đề cần được quan tâm, theo đó việc điều hành CSTT và CSTK cần phải đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc nhất quán, đồng bộ, hỗ trợ và chia sẻ thông tin trên cơ sở lựa chọn các kỹ thuật thực hiện đảm bảo tính khoa học và thực tiễn hướng tới hiệu quả cao nhất trong công tác phối hợp giữa hai chính sách, nhất là trong việc quản lý nợ công. Trên thực tế, dù NHNN không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công, nhưng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính hiệu quả của quản lý nợ công từ khâu xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến khâu thực hiện chiến lược. NHNN tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về những vấn đề liên quan đến biến động thị trường tiền tệ (như mức lãi suất, tình hình thanh khoản, sự thay đổi về cung tiền); đưa ra quan điểm trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược quản lý nợ công về cơ cấu nợ, cơ cấu các loại chứng khoán, công cụ vay nợ, khối lượng và lãi suất, nguồn vay nợ; thực hiện chức năng đại lý phát hành tín phiếu kho bạc và nhận tiền gửi kho bạc; tạo tính thanh khoản cho thị trường TPCP; bù đắp nguồn vốn thiếu hụt tạm thời cho thâm hụt ngân sách trong khuôn khổ CSTT.
 ----------------------------------------------

Trên đây là bài viết về Chính sách Tiền tệ và Chính sách Tài khóa. Nếu có vướng mắc hoặc cần giải đáp, anh em có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm.

Tài liệu tham khảo: https://mof.gov.vn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn