Cổ phiếu bị cảnh báo, bị kiểm soát và bị hạn chế giao dịch

Khi mới tham gia vào thị trường Chứng khoán, Nhà đầu tư có thể bắt gặp những thuật ngữ về cổ phiếu A bị rơi và trạng thái nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, cổ phiếu B bị cảnh báo, hay cổ phiếu C bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch… Bài viết này sẽ đi tìm hiểu vì sao có 1 nhóm các cổ phiếu bị Sở giao dịch “gắn tag” như vậy, và lưu ý khi tìm hiểu các cổ phiếu thuộc nhóm này như thế nào. Bài viết gồm có các nội dung sau:
  • Vì sao Sở giao dịch phải “gắn tag” nhóm cổ phiếu này?
  • Phân loại các trường hợp “gắn tag”.
  • Lý do để “gắn tag” từng nhóm Cổ phiếu.
--------------------------------------------------

1. Vì sao Sở giao dịch phải “gắn tag” nhóm cổ phiếu này?

Lượng tài khoản Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tính đến tháng 05/2022 (Link ảnh gốc)
Số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán thì tháng 05/2022 số lượng tài Nhà đầu tư Cá nhân trong nước mở mới lập kỷ lục là 476.332. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 5 đạt hơn 5.65 triệu, tương đương hơn 5.7% dân số. Tuy nhiên các Nhà đầu tư mới tham gia có thể do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên để đảm bảo thị trường được ổn định, Sở giao dịch đã chọn cách thông báo các cổ phiếu có vấn đề để Nhà đầu tư biết trước và xem xét khi mua các cổ phiếu đó. Nhìn chung thì khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, tốt hơn là nên loại các cổ phiếu này khỏi danh mục theo dõi.
--------------------------------------------------

2. Phân loại các trường hợp “gắn tag”

Hiện tại theo Quy chế niêm yết giao dịch chứng khoán, căn cứ vào mức độ từ nhẹ đến nặng của mức độ vi phạm thì Sở giao dịch phân nhóm này ra làm 6 loại:
  • Tổ chức niêm yết/công ty quản lý quỹ bị Nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường
  • Cổ phiếu bị Cảnh báo
  • Cổ phiếu bị Kiểm soát
  • Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Chỉ có ở HOSE)
  • Cổ phiếu bị Tạm ngừng giao dịch
  • Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc
Chúng ta sẽ đi tìm hiểu về nguyên nhân của từng trường hợp trên.
--------------------------------------------------

3. Lý do để “gắn tag” từng nhóm Cổ phiếu

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, các nhóm cổ phiếu sẽ lần lượt bị đánh giá Cảnh báo, bị Kiểm soát, bị Tạm ngừng Giao dịch,…

3.1. Cổ phiếu bị Nhắc nhở vi phạm
Nếu vi phạm quy định Công bố thông tin từ 3 lần trở lên trong vòng 1 năm: đây là lỗi khá phổ biến. Khi bị mắc phải lỗi này, Công ty phải thực hiện giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường và công bố thông tin theo yêu cầu của SGDCK. Bạn cũng có thể xem thêm Quy định Công bố thông tin định kỳ trên Thị trường chứng khoán.

3.2. Cổ phiếu bị Cảnh báo
  • Vốn điều lệ < 120 tỷ với HOSE, < 30 tỷ với HNX và < 10 tỷ với UPCOM theo báo cáo tài chính (BCTC) kỳ gần nhất.
  • Hoạt động kinh doanh chính ngừng hoặc bị ngừng từ 3 tháng trở lên.
  • Cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 6 tháng.
  • Lãi sau thuế BCTC kiểm toán năm tổng hợp/hợp nhất gần nhất bị âm.
  • Lãi sau thuế chưa phân phối BCTC kiểm toán năm tổng hợp/hợp nhất là số âm.
  • Nộp BCTC kiểm toán năm hoặc bán niên soát xét quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định.
  • Vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong vòng 01 năm.
  • Trong trường hợp SGDCK / UBCK xét thấy cần thiết để bảo vệ Nhà đầu tư.
Tổ chức niêm yết có chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị cảnh báo và công bố thông tin theo yêu cầu của SGDCKHN.

3.3. Cổ phiếu bị Kiểm soát
  • Vốn điều lệ < 120 tỷ với HOSE, < 30 tỷ với HNX và < 10 tỷ với UPCOM theo BCTC kỳ kế tiếp sau khi bị Cảnh báo.
  • Hoạt động kinh doanh chính ngừng hoặc bị ngừng từ 9 tháng trở lên.
  • Lãi sau thuế BCTC kiểm toán năm tổng hợp/hợp nhất 2 năm gần nhất bị âm.
  • Lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC bán niên soát xét gần nhất.
  • Vi phạm các quy định về công bố thông tin hoặc/và không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện Cảnh báo.
  • Trong trường hợp SGDCK / UBCK xét thấy cần thiết để bảo vệ Nhà đầu tư.
3.4. Cổ phiếu bị Tạm ngừng giao dịch
  • Giá, khối lượng giao dịch có biến động bất thường.
  • Không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện kiểm soát hoặc/và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát.
  • Thực hiện việc tách, gộp cổ phiếu; bị tách doanh nghiệp;
  • Trong trường hợp SGDCK / UBCK xét thấy cần thiết để bảo vệ Nhà đầu tư.
3.5. Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc
  • Vốn điều lệ < 120 tỷ với HOSE, < 30 tỷ với HNX và < 10 tỷ với UPCOM theo BCTC sau 1 năm khi bị Cảnh báo.
  • Hoạt động sản xuất kinh doanh chính bị ngừng hoạt động từ 1 năm trở lên.
  • Cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 12 tháng.
  • Lãi sau thuế BCTC kiểm toán năm tổng hợp/hợp nhất 3 năm gần nhất bị âm.
  • Lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu tại BCTC gần nhất.
--------------------------------------------------

4. Xem cổ phiếu bị “gắn tag” tại đâu?

Để kiểm tra Cổ phiếu có bị nằm trong danh sách chứng khoán bị gắn “tag” hay không, có thể xem ở các trang web của HOSE, HNX. Ngoài ra cafef.vn cũng là trang web cập nhật các thông tin về cổ phiếu, ví dụ như hình dưới. 
Trong ảnh là FLC bị vào diện cảnh báo từ 11/07/2022 (Cafef) (Link ảnh gốc)
Tổng kết lại, nhìn chung thường các doanh nghiệp bị gắn “tag” thường là những doanh nghiệp có vấn đề hoặc không quá minh bạch. Đây cũng là 1 phễu lọc cho các Nhà đầu tư mới khi tham gia vào Thị trường chứng khoán.
--------------------------------------------------
Trên đây là bài viết nói về Cổ phiếu bị cảnh báo, bị kiểm soát và hạn chế giao dịch, nếu có vướng mắc hoặc cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình để được hỗ trợ thêm.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn