Chuỗi giá trị Ngành Thép

Trong quá trình nghiên cứu về một cổ phiếu, việc tìm hiểu tổng quan về nghành là một vấn đề tương đối quan trọng, giúp định hình được vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Bài viết sau sẽ đề cập sơ lược cơ bản đến Chuỗi giá trị của Ngành thép và các vấn đề liên quan.
Bài viết gồm các nội dung:
  • Quy trình sản xuất Thép
  • Quy trình sản xuất Tôn mạ kẽm, Tôn mạ màu
  • Các nguyên liệu đầu vào của ngành Thép
  • Tra cứu biến động giá Thép và nguyên liệu tại đâu?
  • Yếu tố vĩ mô cần lưu ý khi nghiên cứu ngành Thép
----------------------------------------

1. Quy trình sản xuất Thép

Quy trình sản xuất đặc trưng:

Quy trình sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay (Upstream - Kawasaki Steel)

Quy trình sản xuất thép có 4 công đoạn chính như sau: (1) Xử lý nguyên liệu - Luyện gang, (2) Luyện thép, (3) Đúc thép và (4) Cán thép để ra các Sản phẩm chính.

Công đoạn 1.1: Xử lý nguyên liệu - Luyện gang - Iron making

Đây là quá trình sử dụng Lò cao (Blast Furnace) để nung chảy quặng đầu vào thành Gang lỏng hoặc Gang đúc (Pig iron). Nguyên vật liệu đầu vào có Quặng sắt (Iron ore), Than cốc (Coke), Đá vôi (Lime stone), Thép phế (Scrap steel).
  • Quặng sắt sau khi khai thác sẽ có dạng vụn hoặc bụi, qua quá trình thêu kết, vê viên sẽ tạo ra vật liệu có kích thước lý tưởng để vận hành trong lò cao.
  • Than cốc là sản phẩm tạo thành từ than mỡ, là loại than chứa ít lưu huỳnh và ít tro, có hàm lượng carbon cao. Lượng carbon càng cao thì cháy nhanh hơn và thu được nhiều nhiệt hơn.
  • Đá vôi có vai trò là chất kết dính.
  • Thép phế là thép đã qua sử dụng.

Quặng sắt và Than chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất thép nên tìm hiểu về 2 nguyên liệu này cũng là 1 bước quan trọng trong việc đánh giá Ngành thép (cụ thể hơn trình bày ở phần sau). Hiện tại dựa vào hàm lượng Carbon và lượng nhiệt năng tỏa ra có thể chia thành các loại than chính sau:
  • Than bùn: là than cấp thấp nhất, được hình thành do sự tích tụ và phân hủy tàn dư sinh vật.
  • Than nâu (hay Than non): chứa 25% –35% cacbon, thường ở dạng vụn và có độ ẩm cao nên giá trị nhiệt của than nâu thấp hơn so với các loại than đá khác. Than nâu là chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp điện than.
  • Than á bitum: chứa 35% – 45% carbon và có giá trị nhiệt thấp hơn than bitum
  • Than bitum (hay Than mỡ): chứa 45% –86% carbon. Than bitum được sử dụng để sản xuất điện và là nguyên liệu quan trọng để sản xuất than cốc sử dụng trong ngành công nghiệp gang thép.
  • Than Antraxit: chứa 86% –97% carbon với nhiệt lượng cao nhất trong tất cả các loại than. Loại than đá này là nguyên liêu quan trọng trong ngành công nghiệp kim loại.
Theo số liệu thống kê 2021, 3 nước xuất khẩu Quặng sắt hàng đầu thế giới là Úc (53.6%), Brazil (20.5%) và Nam Phi (4.7%).

Công đoạn 1.2: Luyện thép - Steel making


Ở Việt Nam hiện có 2 công nghệ luyện thép là Lò thổi oxy (Basic oxygen furnace - BOF) hay Lò hồ điện quang (Electrical Arc Furnace - EAF). Về cơ bản 2 công nghệ này khác nhau khá nhiều từ Chi phí đầu tư, Nguyên liệu đầu vào, Năng lượng tiêu thụ và Chi phí sản xuất, tùy thuộc vào công nghệ mà nguyên liệu đầu vào sẽ khác nhau như sau:
  • Đối với Lò BOF thì nguyên liệu chính là Quặng sắt (30%) và Than cốc (25%). Dùng phản ứng oxy hóa tạp chất trong quặng nên hao hụt thấp, chất lượng thép tốt. Điểm trừ là chi phí đầu tư lớn nhưng chi phí sản xuất lại thấp hơn.
  • Đối với Lò EAF thì nguyên liệu chính là Thép phế (55%) và Điện (26%). Dùng điện cực để làm chảy thép phế liệu. Chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng lượng điện tiêu thụ lớn nên chi phí sản xuất cao hơn BOF.
So sánh công nghệ Lò BOF và Lò EAF:
So sánh công nghệ Lò BOF và Lò EAF (Steelonthenet)

Công đoạn 1.3: Đúc thép - Continuous Casting

Đặc trưng đó là máy đúc liên tục Continuous Casting Machine. Quá trình đúc thép cho ra phôi thép dưới ba hình dạng:
  • Phôi vuông (Billet) là loại phôi có tiết diện 120x120, 130×130, 150×150 dài 6, 9, 12 m. Thường dùng để cán kéo Thép cuộn xây dựng và Thép thanh vằn.
  • Phôi det (Slab) có kích thước lớn hơn phôi vuông, có tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật. Thường dùng để cán ra Thép cuộn cán nóng, Thép tấm cán nóng, Thép cuộn cán nguội hoặc Thép hình.
  • Phôi Bloom là loại phôi gần giống billet nhưng có kích thước lớn hơn, thay thế cho phôi vuông hoặc phôi dẹt.
Sản phẩm được đúc xong có thể có trạng thái Nóng hoặc Nguội: Trạng thái nóng sẽ được đưa thẳng vào quá trình cán sản phẩm còn Trạng thái nguội sẽ được chuyển tới các nhà máy và làm nung lại (Reheating Furnance) sẽ được trình bày ở Công đoạn 4.

Công đoạn 1.4: Cán thép – Steel Rolling

Ngành cán thép được phân làm hai loại: Cán nóng và cán nguội.

Cán nóng: Phôi được gia nhiệt lại (reheat) trước khi đưa vào máy cán để cán ra các sản phẩm thép:
  • Máy cán thép hình (Section mill) cho ra các sản phẩm Thép ray (Rail), Thép cừ lòng máng (Sheet Pile), Thép hình (Shape - chữ H, I, U, V...), Thép thanh xây dựng (Bar).
  • Máy kéo thép dây (Wire Rod Mill) cho ra Thép cuộn trơn, Thép tròn xây dựng.
  • Máy cán thép Rebar cho ra thép vằn xây dựng.
  • Máy cán thép tấm (Plate Mill) cho ra thép tấm cán nóng (dạng tấm).
  • Phôi Slab được dùng cho máy cán Hot Strip Mill sản xuất thép cán nóng dạng cuộn (HRC).
Cán nguội: cán thép tại nhiệt độ phòng, không gia nhiệt nguyên liệu. Người ta sử dụng thép cán nóng HRC để sản xuất thép cán nguội CRC.

----------------------------------------

2. Quy trình sản xuất Tôn mạ kẽm, Tôn mạ màu

Quy trình sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu ở Việt Nam (Downstream - AkzoNobel, ISL...)


Quy trình sản xuất đặc trưng: Thép cuộn cán nóng HRC => (1) Tẩy rỉ (Pickling line) => (2) Cán nguội (Cold rolling line) => (3) Mạ kẽm (Galvanizing) => (4) Làm nguội tôn => (5) Mạ màu (Color coating).

Công đoạn 2.1: Chuẩn bị nguyên vật liệu và Tẩy rỉ, Xử lý bề mặt

Nguyên vật liệu ban đầu được sử dụng để sản xuất tôn mạ màu là Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và các đặc điểm cơ lý tính, hóa học.
Tiếp theo Thép sẽ được xử lý bề mặt thông qua quá trình tẩy rỉ nhằm làm sạch các vết dầu, bụi bẩn, gỉ sét bám trên bề mặt. Đây là bước quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm trong quá trình mạ kẽm. Nếu không được xử lý triệt để thì sản phẩm sau khi mạ kẽm sẽ xuất hiện các lỗi như dính xỉ, đốm đen, cấn lõm.

Công đoạn 2.2: Cán nguội

Cuộn sau khi mạ kẽm được gọi là băng tôn. Sau khi hoàn thành mạ kẽm, băng tôn sẽ được đưa vào lò ủ để ủ mềm với nhiệt độ trên 700 độ C. Ở công đoạn này, những vết dầu còn sót lại ở công đoạn trước sẽ được làm sạch, đồng thời giúp cuộn băng được mềm hơn.

Công đoạn 2.3: Mạ kẽm

Sau khi băng tôn đã được xử lý bề mặt cả trong lẫn ngoài sẽ tiến hành mạ kẽm. Hiện tại, hầu hết các nhà máy tại Việt Nam và trên thế giới đều sử dụng công nghệ mạ kẽm NOF (
Non-Oxidizing Furnaces – lò đốt không oxy) để mạ kẽm. Độ dày mạ kẽm sẽ được kiểm soát tự động một cách chính xác nhất bằng thiết bị dao gió.

Công đoạn 2.4: Làm nguội tôn

Sau khi băng tôn được mạ kẽm, sẽ được làm nguội bằng hệ thống ống gió và quạt nguội, sau đó tiếp tục cho đi qua hệ thống làm mát bằng nước. Lúc này, nhiệt độ của cuộn băng sẽ giảm từ 600 độ C xuống còn 60 – 80 độ C. Băng tôn đi qua giai đoạn này được làm mát và rửa sạch bụi kẽm bám trên bề mặt băng.

Công đoạn 2.5: Mạ màu

Băng sau khi mạ kẽm sẽ được đánh bóng bề mặt nắn phẳng trước khi mạ màu (hay sơn phủ màu). Quá trình này băng sẽ đi qua một hệ thống phủ sơn Acrylic. Màu sơn đa dạng phụ thuộc vào nhu cầu như xanh lá, xanh lam,  vân gỗ... Lớp sơn này giúp bảo vệ bề mặt sản phẩm chống oxy hóa tăng lên gấp nhiều lần. Sản phẩm là cuộn tôn.
Cuối cùng tùy vào mục đích cụ thể, các cuộn tôn sẽ được đưa qua máy cán để ra sản phẩm cuối cùng là 6/7/9/11 sóng bán ra thị trường.


----------------------------------------

3. Nguyên liệu đầu vào của Ngành Thép


3.1. Quặng Sắt

Biểu đồ trữ lượng quặng sắt thế giới 2019 (e-mj.com)

Quặng sắt chiếm khoảng 30% chi phí trong sản xuất thép sử dụng lò BOF và là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cần lưu ý. Sự biến động của giá nguyên liệu này ảnh hưởng đáng kể biên lợi nhuận của các công ty sản xuất thép.

Biều đồ khai thác Quặng sắt năm 2019 (e-mj.com)

Có thể thấy quặng sắt được tập trung tại 3 quốc gia chính là: Úc (919 triệu tấn), Brazil (390 triệu tấn), Trung Quốc (241 triệu tấn), Ấn Độ (233 triệu tấn), Nga (98 triệu tấn), Nam Phi (71 triệu tấn). 3 quốc gia hàng đầu chiếm khoảng 65 - 70% lượng sản lượng quặng toàn cầu. Do vậy điều gì ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hoặc tiêu thụ của các quốc gia trên đều có tác động đến giá quặng sắt trên thế giới.

3.2. Than mỡ – Luyện cốc

Nguyên liệu thứ 2 ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép là Than mỡ (Than bitum). Đây là một loại nhiên liệu xám, cứng và xốp có hàm lượng cacbon cao và ít tạp chất, được tạo ra bằng cách nung nóng than mỡ hoặc dầu trong môi trường thiếu không khí - một quá trình chưng cất phá hủy. Nó là một sản phẩm công nghiệp quan trọng, được sử dụng chủ yếu trong nấu luyện quặng sắt.

Biểu đồ than Bitum trên thế giới năm 2020 (knoema.com)

3.3. Than cốc

Than cốc (Coking coal hay Metallurgical coal - than luyện kim) là loại than có năng suất tỏa nhiệt rất lớn, trong phản ứng hóa học ở lò cao, than cốc khử oxit sắt tạo thành kim loại sắt theo công thức sau:

2 Fe2O3 + 3 C ==> 4 Fe + 3 CO2

Theo VSA, để sản xuất một tấn thép cần khoảng 0.8 - 0.9 tấn than cốc. Tuy nhiên, đa phần than sản xuất trong nước không đủ chất lượng để phục vụ cho ngành luyện kim nên các doanh nghiệp thép lò BOF phải nhập khẩu phần lớn than để sản xuất. Bốn nước dẫn đầu trong xuất khẩu than vào Việt Nam là Úc, Trung Quốc, Indonesia và Nga.
---------------------------------------------

4. Tra cứu biến động giá Thép và nguyên liệu tại đâu?

Giá Quặng sắt (Iron Ore) tra cứu tại đây.
Giá Than cốc (Coking Coal) tra cứu tại đây.
Giá Thép phế liệu tra cứu tại đây.
Giá Thép cuộn cán Nóng (HRC) tra cứu tại đây.
Giá Thép xây dựng tại Việt Nam tra cứu tại đây.
Giá Tôn mạ màu (Color Coated Sheet) tra cứu tại đây.

---------------------------------------------

5. Các yếu tố vĩ mô tác động đến ngành Thép

Đối với ngành thép, có một số đặc thù khi nắm bắt được sẽ cung cấp những hiểu biết và phán đoán về những vận động của ngành.

1. Trung Quốc

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, tỷ trọng GDP trong đầu tư nội địa lớn cũng là một nguyên nhân tác động lớn đến giá thép xây dựng.

Giai đoạn 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid nên tiêu dùng của Trung Quốc chậm lại, một giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh đầu tư công để kéo GDP, điều này khiến giá nguyên vật liệu, trong đó có thép tăng mạnh trên toàn thế giới.

2. Tỷ giá – Lãi suất

Như đã đề cập ở trên, phần lớn chi phí của ngành thép bị ảnh hưởng bởi quặng sắt và than nhập khẩu nên tỷ giá hối đoái ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nếu tỷ giá tăng lên thì chi phí đầu vào cũng sẽ tăng theo, trong khi đó mức giá bán lại chưa thể tăng tương ứng ngay lập tức, dẫn đến ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Yếu tố tiếp theo là lãi suất, các công ty sản xuất thép dựa nhiều vào vốn vay để xây dựng nhà máy ban đầu nên tỷ trọng Nợ vay / Tổng tài sản so với mặt bằng chung các ngành khác là cao. Khi các yếu tố vĩ mô biến động, mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến công ty khó tiếp cận được nguồn vốn vay và chi phí tài chính cũng sẽ tăng lên.

 Dư nợ của doanh nghiệp Thép trên sàn theo BCTC kiểm toán 2021

3. Chính sách Thuế

Chính sách thuế thường được dùng để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, hiện tại vẫn được áp dụng tại hầu hết các quốc gia. Các loại thuế thường gặp trong ngành thép là Thuế tự vệ, Thuế chống bán phá giá và Thuế xuất khẩu.

  • Thuế tự vệ, Thuế chống bán phá giá là thuế phòng hộ nhằm dựng lên những rào cản thương mại nhằm ngăn chặn cách sản phẩm nhập khẩu giá rẻ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Ví dụ: Bộ Tài chính áp mức thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc là 17,94% - 31,85%; của Malaysia là 11,09% - 22,69%; của Indonesia là 10,91% - 25,06%; của Đài Loan (Trung Quốc) là 37,29%. Mức thuế này có hiệu lực từ 26/10/2019 và sẽ kéo dài 5 năm nếu không có thay đổi.
  • Thuế xuất khẩu được quy định mức thuế được hoàn khi doanh nghiệp thép xuất khẩu ra nước ngoài. Mức thuế hoàn tăng lên sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước đó xuất khẩu đi và ngược lại.
---------------------------------------------

Trên đây là bài viết về Chuỗi giá trị Ngành Thép. Nếu có thắc mắc hoặc góp ý bạn hãy để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ với mình để được hỗ trợ thêm.

---------------------------------------------

Tham khảo

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn