Lãi suất cho vay liên ngân hàng – hàn thử biểu cho thanh khoản hệ thống

Giống như thị trường chứng khoán thường có độ nhạy và phản ứng trước so với chu kỳ của nền kinh tế, Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng được coi là hàn thử biểu đối với những biến động thanh khoản của hệ thống. Mức lãi suất thường được duy trì trong biên độ trần (Lãi suất chiết khấu) đến sàn (Lãi suất Tín phiếu). 
 
Trong phiên giao dịch ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có động thái bất ngờ là bán thành công 200 tỷ tín phiếu lãi suất 0.3%/năm, đây là một điểm đáng chú ý vì kênh này đã đóng băng trong hơn 2 năm trở lại đây.
 
Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành.
- Khi thanh khoản thiếu hụt, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng vọt, nếu lãi suất này chạm trần thì các Ngân hàng Thương mại sẽ tiếp cận vốn từ SBV thay vì đi vay mượn lẫn nhau. Còn về phía SBV sẽ giải quyết thiếu hụt bằng 2 công cụ Repo giấy tờ có giá hoặc Cửa sổ chiết khấu, tiền sẽ chảy lại về hệ thống. 
 
- Ngược lại, khi hệ thống thừa tiền, cầu ít hơn cung, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nếu giảm thủng cả đáy mục tiêu thì Ngân hàng Thương mại sẽ chọn cách đi gửi tiền tại SBV với mức lãi cao hơn thay vì cho mượn lẫn nhau. Về phía SBV sẽ hút tiền về bằng việc bán đứt Tín phiếu, lúc này tiền chảy về SBV, hệ thống giảm sự dư thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào vùng mục tiêu. 
 
Quay lại giai đoạn 2018, khi thặng dư cán cân kỷ lục, nguồn ngoại tệ USD dồi dào, Nhà nước đã liên tục thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, lượng tiền VND khổng lồ đã được đẩy vào thị trường khiến SBV phải tìm cách hút bớt thông qua kênh tín phiếu. 
 
Sau đó đến 2020, khi dịch bệnh ập đến, bài toán lúc này không phải là xử lý lạm phát, hút lượng tiền dư thừa trên thị trường mà là tập trung vào đối phó với khủng hoảng kinh tế. SBV quyết định buông kênh Tín phiếu, khiến cho mặt bằng lãi suất duy trì ở mức gần 0% trong 1 thời gian dài (biểu đồ dưới).
Lượng Tín phiếu lưu hành so với lãi suất Liên ngân hàng (%, nghìn tỷ đồng) (SBV)
 
Mới đây, lãnh đạo SBV mới phát đi thông điệp, cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm để duy trì nguồn vốn chi phí thấp, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, với áp lực lạm phát và cuộc đua của các Ngân hàng thế giới tăng lãi suất, SBV dường như bắt đầu có động thái hút tiền về thông qua việc bán Tín phiếu nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. 
 
Vậy kết luận ở đây là gì?
SBV dường như đã sẵn sàng hút bớt tiền dư thừa ngắn hạn trong hệ thống, qua đó có thể hạn chế việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp. 
 
------------------------------------------------------
 
Trên đây là bài viết về việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền thông qua tái khởi động lại kênh Tín phiếu. Bài viết nhằm mục đích tìm hiểu cung cấp thông tin tham khảo cho Nhà đầu tư. Những nhận định dựa trên những dự đoán, đánh giá và số liệu phân tích tại thời điểm viết bài, dù vậy trên thị trường chứng khoán có các biến số có thể tác động đến giá cổ phiếu và bản thân thị trường cũng thiên biến vạn hóa, có xác suất xảy ra không thể chính xác hoàn toàn nên cần cập nhật lại khi có thông tin mới. Nếu có thắc mắc hoặc cần giải đáp, anh em có thể liên hệ trực tiếp với mình theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ thêm. Chúc anh em luôn giữ được bình tĩnh, tự tin khi đầu tư!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn