Mục tiêu quan trọng nhất trong Phân tích đồ thị chứng khoán

Trong phân tích kỹ thuật, có nhiều con đường cùng đi đến đích. Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến các mục tiêu và các kỹ thuật phân tích đồ thị. Bài viết gồm các ý chính sau:

+ Mục tiêu của Phân tích kỹ thuật
+ Mục tiêu nào là quan trọng nhất?
+ Các kỹ thuật phân tích đồ thị chứng khoán

------------------------------------------------------------

Mục tiêu của Phân tích kỹ thuật

Trong quá trình giao dịch, khi mới tham gia thị trường giao dịch chứng khoán, câu trả lời thường thấy là để tìm điểm mua, điểm bán tối ưu nhất. Mục tiêu này đúng nhưng chưa đủ, đây là cái đích chúng ta hướng đến nhưng ít người đề cập đến phương pháp nào để đi đến được mục đích trên.

Phân tích kỹ thuật là nghệ thuật phân tích biểu đồ, nhưng cũng một biểu đồ dưới con mắt của mỗi người lại khác nhau, nhưng mục tiêu chung cần đạt được là:

+ Xu thế giá hiện tại và dự báo được xu hướng giá tương lai.

+ Đánh giá sức mạnh xu hướng.

+ Tìm kiếm điểm vào lệnh, điểm dừng lỗ và điểm chốt lời.

Như vậy có thể thấy là chúng ta sẽ có 3 mục tiêu cần đạt được chứ không phải chỉ là một đích đến cuối cùng là tìm điểm vào lệnh tối ưu.

------------------------------------------------------------

Mục tiêu nào là quan trọng nhất?

Như phần trên đã đề cập, chúng ta có 3 mục tiêu chính. Và không khó để nhận ra mục tiêu số 1 là quan trọng nhất, trong khi mục tiêu số 2 và 3 đã được bao hàm trong mục tiêu số 1.

Do đó, trong phân tích biểu đồ, xác định điểm mua, điểm bán không phải là mục tiêu quan trọng nhất mà xác định xu thế thị trường mới là mục tiêu quan trọng nhất. Đây là yếu tố tiên quyết tạo nên một giao dịch thành công. Khi xác định được xu hướng và sức mạnh của xu hướng  thì sẽ có nhiều điểm vào lệnh và nâng tỷ lệ thành công của giao dịch đó.

Kết hợp với việc nghiên cứu Lý thuyết DOW, chúng ta biết được rằng trong phân tích kỹ thuật có 3 xu hướng để chỉ thị trường, bao gồm:

+ Thị trường giá lên (hay Uptrend – thị trường con bò)

+ Thị trường giá xuống (hay Downtrend – thị trường con gấu)

+ Thị trường không rõ xu hướng (hay Sideway – thị trường đi ngang)

Theo lý thuyết DOW, thị trường Uptrend được hình thành khi đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Ngược lại, trong thị trường Downtrend được hình thành khi đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Còn thị trường Sideway là thị trường biến động trong một khoảng giá nhất định, không tăng cũng không giảm rõ ràng theo một xu hướng.

Trong ảnh là cổ phiếu HND, có 3 xu hướng – đi ngang, giảm và tăng. Để xác định đơn giản chúng ta chỉ cần nối các đỉnh và các đáy gần nhau.

Tại Việt Nam, hiện tại chứng khoán cơ sở chưa được phép bán khống nên chúng ta chỉ giao dịch khi xu hướng Uptrend.

Ngoài 3 xu hướng kể trên, thị trường được chia theo 2 cấp nhỏ hơn là xu thế cấp 1 (xu thế chính) và xu thế cấp 2 (xu thế phụ) biến động ngược chiều với xu thế cấp 1. Xu thế cấp 1 được khẳng định khi và chỉ khi đường giá vượt qua được đỉnh hoặc đáy nó tạo ra trước đó. Xu thế có nhiều cấp độ thời gian, khung thời gian lớn là xu thế dài và khung thời gian nhỏ là xu thế ngắn.

Trong ảnh là cổ phiếu VNM với xu hướng chính là xu hướng tăng. Trong xu hướng tăng đó có xu thế cấp 1 là tăng và xu thế cấp 2 ngược với xu thế cấp 1.

Như vậy, khi đã xác định được xu thế cấp 1, xu thế cấp 2 thì chúng ta có thể giao dịch bám vào đó. Khi giao dịch chúng ta sẽ giao dịch theo xu thế cấp 1, bởi xu thế cấp 1 diễn ra với thời gian dài, trong khi đó xu thế cấp 2 chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp họ sẽ sử dụng các trendline hoặc chỉ báo để xác định xu thế của thị trường. Sau khi xác định xu thế chúng ta sẽ giao dịch theo xu hướng chính.

------------------------------------------------------------

Các kỹ thuật phân tích đồ thị chứng khoán

Sau khi biết được mục tiêu quan trọng nhất, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu đến các kỹ thuật được các nhà phân tích kỹ thuật chuyên nghiệp sử dụng:

+ Phân tích xu hướng

+ Phân tích hỗ trợ và kháng cự

+ Phân tích hành động giá (Price Action)

+ Phân tích theo mô hình giá

+ Phân tích theo các chỉ báo (Indicator)

Với giá thiết là lịch sử sẽ lặp lại, nghĩa là những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ có xu hướng lặp lại trong tương lai. Nhắc lại: Mục tiêu quan trọng nhất cần nhớ trong bài viết này là xác định xu thế của thị trường và chỉ giao dịch theo xu thế chính.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn