Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật đã bắt đầu từ thế kỷ 17, sau đó được người Nhật phát triển thành nến Nhật (Candlestick). Cho đến cuối thế kỷ 18, lý thuyết của phân tích kỹ thuật được hình thành từ những bài viết của Charles Dow trên tạp chí phố Wall do ông sáng lập. Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1884 ông đưa ra chỉ số bình quân giá đóng cửa của 11 cổ phiếu quan trọng nhất thị trường Mỹ thời bấy giờ là DowJones. Sau khi Dow mất, người kế tục ông làm biên soạn nhật báo là William P. Hamilton đã tiếp tục các nghiên cứu này và cấu trúc lại thành lý thuyết Dow như ngày nay.
Bài viết này sẽ giới thiệu về các khái niệm và nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow, bài viết sẽ có các nội dung sau:
+ Khái niệm phân tích kỹ thuật.
+ Đặc điểm của phân tích kỹ thuật.
+ Nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật.
+ Các yếu tố của phương pháp phân tích kỹ thuật.
+ Ưu điểm và nhược điểm của phân tích kỹ thuật.
+ Ứng dụng của phân tích kỹ thuật.
-------------------------------------------------
1. Khái niệm phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là dự đoán vận động giá cả tương lai dựa trên khảo sát giá và khối lượng trong quá khứ. Phân tích kỹ thuật có thể áp dụng cho chứng khoán, chỉ số, hàng hóa, tương lai hay các khí cụ nào có thể giao dịch được trong đó giá chịu ảnh hưởng từ áp lực cung cầu. Giá đề cập tới mối liên kết giữa giá cao, thấp, giá mở cửa, đóng cửa của chứng khoán thông qua các khung thời gian khác nhau.
Phân tích kỹ thuật không xem xét giá trị của cổ phiếu như một động cơ chính để mua hay bán cổ phiếu. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu xu hướng và động lực của giá và số lượng của cổ phiếu. Dựa trên xu hướng, các nhà kinh doanh có thể quyết định khi nào mua hoặc khi nào bán cổ phiếu. Các nhà phân tích kỹ thuật chủ yếu sử dụng biểu đồ, và không thường xuyên tham khảo ý kiến về tình hình tài chính của công ty.
-------------------------------------------------
2. Đặc điểm của Phân tích kỹ thuật:
+ Dựa vào những biến động và mô hình về giá cả, khối lượng giao dịch trên biểu đồ để dự đoán biến động giá trong tương lai.
+ Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt, tức chỉ cho nhà phân tích thời điểm mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.
+ Phân tích cơ bàn là nền tảng và không có sự xung đột với Phân tích kỹ thuật.
+ Phương pháp kỹ thuật khắc phục được một số hạn chế của Phân tích cơ bản như (1) Khó tính chính xác giá trị nội tại của doanh nghiệp, (2) bỏ qua yếu tố tâm lý của các bên tham gia thị trường và (3) hạn chế xác định thời điểm ngắn hạn...
-------------------------------------------------
3. Nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật
+ Nguyên lý đầu tiên: Giá phản ánh toàn bộ biến động giá trên thị trường.
Đây là nguyên lý đầu tiên và quan trọng nhất – Các nhà PTKT cho rằng tất cả các nhân tố tác động đến định giá chứng khoán được phản ánh thông qua giá của chứng khoán – Mọi thông tin nội tại và thị trường được phản ánh tất cả trong giá cổ phiếu.
+ Nguyên lý thứ hai: Giá dịch chuyển theo xu thế và những xu thế này ổn định trong một thời gian tương đối dài.
Giá cả không biến động một cách ngẫu nhiên mà chúng tuân theo quỹ luật và có xu hướng và có thể phân tích.
+ Nguyên lý thứ ba: Hành động thị trường có tính lặp lại
Niềm tin này dựa vào quan điểm cho rằng lịch sử sẽ lặp lại do bản chất con người không đổi do có xu hướng lặp lại, những nhà đầu tư đi sau sẽ có xu hướng lập lại hành vi của các nhà đầu tư đi trước.
Thái độ ứng xử của các nhà đầu tư thường lặp nhau nên hành vi của họ thường lặp nhau. Do đó các nhà phân tích tin rằng, giá chứng khoán sẽ diễn biến theo một biểu đồ với các đặc trưng có thể dự đoán được, và đó là cơ sở để nắm bắt giá tương lai của một chứng khoán.
-------------------------------------------------
4. Các yếu tố của phương pháp phân tích kỹ thuật
Phân tích lỹ thuật sử dụng
+ Đường giá: thể hiện bằng đường line, nến, thanh bar...
+ Khối lượng: Volume – thể hiện mức độ tham gia của nhà đầu tư tham gia thị trường
Nhìn ảnh trên thể hiện đồ thị kỹ thuật của VNIndex hàng ngày dạng Nến (Candlestick), số liệu cuối ngày 09/10/2020. Cột biên dưới là khối lượng giao dịch của mỗi ngày, có thể thấy khối lượng giao dịch của giai đoạn tháng 8 thấp hơn so với giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10, thể hiện mức độ tham gia lớn hơn của các nhà đầu tư trên thị trường
+ Đường xu thế: Trend line
Trong hình trên, 2 đỉnh của VNIndex là 1 và 2, trong khi 2 đáy là A và B. Ở đây chúng ta có thể xác định được đường xu thế bằng cách nối 2 đỉnh hoặc 2 đáy với nhau sẽ tạo ra đường xu thế.
+ Mức hỗ trợ và kháng cự: sẽ có 1 chuyên đề riêng về mục này
+ Mẫu hình: mẫu hình vai đầu vai, hai đáy, hai đỉnh, mẫu hình ba đáy ba đỉnh, cờ Flag cờ đuôi nheo...
+ Các chỉ báo Indicator: (1) chỉ báo trung bình MA, EMA, MACD... (2) chỉ báo biến đổi BollingerBand..., (3) chỉ báo động lượng RSI..., (4) chỉ báo sức mạnh MFI...
Tựu chung lại, các chỉ báo đều dựa vào dữ liệu đầu vào là giá, khối lượng và thời gian. Vì vậy các chỉ báo Indicator sẽ có độ trễ đối so với biến động của thị trường, nên tránh việc sa đà vào các chỉ báo mà quên đi yếu tố quan trọng nhất là giá, khối lượng.
-------------------------------------------------
Ưu điểm và nhược điểm của phân tích kỹ thuật
Ưu điểm:
+ Phân tích kỹ thuật không phụ thuộc vào báo cáo tài chính – nguồn thông tin cơ bản về tình hình hoạt động của một doanh nghiệp hoặc một nghề.
+ Nhanh chóng nhận được xu thế dịch chuyển của giá.
+ Có khả năng thích ứng với các kết quả kinh doanh và độ lớn của thời gian (1 phút, 15 phút, 1 tiếng, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng...).
+ Đồ thị phân tích có thể thấy biến động giá trong một khoảng thời gian dài trong quá khứ, tránh được sự phiến diện của một nhân tố nào đó của thị trường.
+ Xác định được thời điểm để tham gia hoặc rút khỏi thị trường.
Nhược điểm:
+ Phân tích kỹ thuật cần phải đọc và hiểu được biểu đồ cũng như các chỉ báo kỹ thuật, phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự chủ quan của nhà đầu tư.
+ Sử dụng nhiều chỉ báo sẽ gây mâu thuẫn trong việc ra quyết định.
+ Chỉ báo sử dụng dữ liệu trong quá khứ, nên có ý nghĩa trong quá khứ, tương lai thì không đảm bảo.
+ Chỉ báo sử dụng dữ liệu trong quá khứ nên các chỉ báo sẽ chậm hơn so với đường giá
-------------------------------------------------
Ứng dụng của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật có thể áp dụng cho chứng khoán, chỉ số, hàng hóa, tương lai hay các khí cụ nào có thể giao dịch được trong đó giá chịu ảnh hưởng từ áp lực cung cầu.