Các loại phí và thuế chứng khoán

Có rất nhiều loại phí và thuế áp dụng trong ngành chứng khoán. Trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ đề cập đến các loại phí và thuế mà các Nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam thường quan tâm. Các vấn đề chính bao gồm:

+ Phí Giao dịch (hay Phí môi giới chứng khoán).
+ Phí Lưu ký chứng khoán.
+ Thuế thu nhập từ việc bán chứng khoán.
+ Phí ứng trước tiền bán chứng khoán.
+ Thuế cổ tức tiền mặt.
+ Các loại phí thuế khác.

--------------------------------------------------

1. Phí Giao dịch (hay Phí môi giới chứng khoán)

- Khái Niệm: Phí Giao dịch (hay Phí môi giới chứng khoán) là phí mà bạn phải trả khi mua chứng khoán thành công. Phí này thường do công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản giao dịch thu, vì thế phí này thường được gọi là Phí môi giới chứng khoán. Đây là loại phí chính khi tham gia thị trường chứng khoán và được tính trên cơ sở % Giá trị mua bán trong ngày của khách hàng.

- Ví dụ: Khách hàng A đặt lệnh mua thành công Mua 1000 cổ phiếu VCB – Vietcombank với mức giá 80.000 đồng / cổ phiếu thì Tổng giá trị mua của khách hàng A là 1000 cổ phiếu x 80.000 đồng / cổ phiếu = 80 triệu đồng. Giả sử mức phí mà khách hàng A phải chịu ở Công ty Chứng khoán X là 0,25% thì Phí giao dịch phải trả là: 80.000.000 x 0,25% = 200.000 đồng.

- Mức phí: mức phí được quy định bởi từng công ty chứng khoán và thường nằm trong biên độ 0.15% - 0.3% tùy chính sách của mỗi công ty chứng khoán, hoặc tùy vào giá trị giao dịch 1 ngày của từng khách hàng. Giá trị giao dịch càng lớn thì mức phí sẽ càng rẻ hoặc các khách hàng VIP sẽ được ưu đãi mức phí thấp hơn.

Mức phí giao dịch này được áp dụng khi thực hiện Mua và Bán, nghĩa là khi bạn Mua 1000 cổ phiếu VCB với giá 80.000 đồng như ở ví dụ trên, sau một thời gian giá tăng lên 85.000 đồng và bạn quyết định chốt lời. Lúc này mức phí khi Mua cổ phiếu là 1000 cổ phiếu x 80.000 đồng x 0.25% = 200.000 đồng. Mức phí khi Bán cổ phiếu là 1000 cổ phiếu x 85.000 đồng x 0.25% = 212.500 đồng. Tổng mức phí khi giao dịch Mua và Bán cổ phiếu là 200.000 đồng + 212.500 đồng = 412.500 đồng.

Mức Phí giao dịch khi đặt lệnh Mua: Phí giao dịch luôn được tạm tính ngay khi đặt lệnh và chỉ thu khi lệnh đã khớp thành công. Nếu lệnh chưa khớp, bạn có thể hủy để thực hiện lệnh khác hoặc rút tiền về tài khoản. Mức phí tạm tính của mỗi Công ty chứng khoán là khác nhau nên số liệu thể hiện có thể khác nhau.

Ví dụ: Giả sử bạn đặt mua 500 cổ phiếu HPG – Hòa Phát với giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thể hiện thực hiện giao dịch sẽ là Giá trị giao dịch là 500 cổ phiếu x 28.000 = 14.000.000 đồng + Phí giao dịch mua tạm tính là 500 cổ phiếu x 28.000 x 0.25% = 35.000 đồng, trường hợp này sẽ là 14.035.000 đồng.

Trong hình là quy định mức phí giao dịch của Maybank KimEng tại năm 2020. Về mức phí giao dịch bạn có thể trao đổi trực tiếp với Môi giới hỗ trợ để biết được các ưu đãi cũng như đặt mức phí phù hợp với tài khoản của mình.

- Phí Sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán cũng thu phí giao dịch một cách gián tiếp thông qua Công ty Chứng khoán là 0,03% (trong ảnh trên mức phí là 0.027%, được hỗ trợ giảm 10% trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19). Nghĩa là nếu Công ty chứng khoán thu phí giao dịch của bạn là 0.25% thì bản thân công ty chứng khoán chỉ thực nhận 0.22%, phần 0.03% sẽ chuyển cho Sở giao dịch chứng khoán. Kết cả phí là 0.15% thì mức thực thu của Công ty chứng khoán cũng chỉ là 0.12%, 0.03% sẽ chuyển cho Sở giao dịch chứng khoán.

--------------------------------------------------

2. Phí Lưu ký Chứng khoán

Mức phí này khá nhỏ, mức mặc định thu là 0.3 đồng/ cổ phiếu/ tháng. Nghĩa là nếu bạn nắm giữ 1000 cổ phiếu VCB có giá trị 80 triệu thì 1 tháng bạn sẽ phải trả 1 khoản rất nhỏ là 300 đồng phí lưu ký.

--------------------------------------------------

3. Thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng chứng khoán

Mức thuế chung được áp dụng đối với việc chuyển nhượng chứng khoán là 0.1%. Mức thuế này chỉ thu khi Bán thành công, còn người Mua thì không phải chịu.

Ví dụ: Trong ví dụ mua bán 1000 cổ phiếu VCB ở phần 1. Phí giao dịch chứng khoán, khi thực hiện lệnh Bán chứng khoán thành công, số tiền Thuế sẽ được tính là 1000 cổ phiếu x 85.000 đồng x 0.1% = 85.000 đồng. Như vậy tổng phí khi Mua, Bán và Thuế 1 vòng là 200.000 đồng + 212.500 đồng + 85.000 đồng = 487.500 đồng.

Mức Phí giao dịch và Thuế tạm tính khi đặt lệnh bán: Khi đặt lệnh Bán tại công ty chứng khoán, nếu mức Phí giao dịch tạm tính là 0.25% thì tổng mức phí tạm tính Bán là 0.25% + Thuế 0.1% = 0.35%. Nếu lệnh chưa khớp thì bạn có thể hủy lệnh và Phí tạm tính sẽ được hoàn lại vào tài khoản.

--------------------------------------------------

4. Phí ứng trước tiền bán chứng khoán

Thông thường khi đặt lệnh Bán chứng khoán thành công, theo chu kỳ thanh toán hiện hành đang được quy định bởi luật Việt Nam thì chiều ngày làm việc T+2 tiền sẽ về tới tài khoản của bạn. Mặc dù vậy khi phát sinh các nhu cầu như Mua chứng khoán khác, hoặc cần rút tiền ngay lập tức trước ngày thì bạn sẽ cần dùng đến dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Dịch vụ này ra đời với mục đích công ty chứng khoán sẽ ứng trước tiền chờ về cho bạn, hay bạn sẽ vay công ty chứng khoán trong khoảng thời gian chờ tiền về.

Mức phí ứng trước được quy định khác nhau tại từng công ty chứng khoán, thông thường sẽ rơi vào khoảng 13% - 14% / 360 ngày.

Ví dụ: Trong ví dụ bán 1000 cổ phiếu VCB tại phần 3. Thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng chứng khoán, ngày bạn thực hiện lệnh bán là thứ 2 ngày 12/10/2020, theo luật hiện hành thì chiều ngày làm việc T+2, tức là chiều ngày thứ 4 ngày 14/10/2020 số tiền sẽ về tài khoản của bạn. Số tiền bán lúc đó bạn sẽ nhận được tại ngày T+2 là 1000 cổ phiếu x 85.000 đồng = 85.000.000 đồng trừ đi Phí giao dịch Bán 212.500 đồng trừ đi Thuế 85.000 đồng là 84.702.500 đồng. Mặc dù vậy bạn muốn mua ngay cổ phiếu VNM do dự đoán xu hướng sắp tới là tăng giá, bạn sẽ cần ứng trước số tiền 84.702.500 đồng với thời gian là 2 ngày, giả sử Phí ứng trước là 13% / 360 ngày thì mức phí ứng trước lúc này sẽ được tính là 84.702.500 đồng x 13% / 360 x 2 ngày ~ 61.174 đồng. Lúc này sau khi ứng trước số tiền bạn chỉ còn lại 84.702.500 đồng – 61.174 đồng = 84.641.325 đồng.

Lưu ý: thời gian ứng trước được tính là T+2 ngày làm việc, nghĩa là nếu bạn ứng vào thứ 5 hoặc thứ 6, thì số ngày vay sẽ tính thêm cả thứ 7 và chủ nhật lên thành 4 ngày thay vì 2 ngày. Cũng nên chú ý khi sử dụng ứng trước vào các kỳ nghỉ lễ dài ngày như Tết nguyên đán, thời gian vay ứng trước có thể lên tới 9 ngày (bao gồm T+2 ngày làm việc và 7 ngày nghỉ lễ).

--------------------------------------------------

5. Thuế cổ tức tiền mặt

Đây là loại thuế đánh vào toàn bộ các cổ đông nhận được cổ tức tiền mặt được trả từ Công ty. Cách tính khá đơn giản, đó là Công ty niêm yết sẽ thực trả cho cổ đông 95%, còn 5% họ sẽ thu từ đầu Công ty Niêm yết. Để dễ hình dung có thể làm ví dụ sau:

Trong hình là thông báo chi trả cổ tức tiền mặt của HND – Nhiệt điện Hải Phòng. Mức chi trả là 11%/mệnh giá nghĩa là 1 cổ đông sẽ nhận được 1.100 đồng. Giả sử bạn đang nắm giữ 1000 cổ phiếu HND và được nhận cổ tức tiền mặt như thông báo trên thì số tiền bạn nhận được là 1.000 cổ phiếu x 1.100 đồng/ cổ phiếu = 1.100.000 đồng. Tuy nhiên bạn sẽ không nhận được hết 1.1 triệu đồng mà sẽ bị đánh thuế 5% trên số tiền này, khi đó số tiền bạn đóng thuế sẽ là 1.100.000 đồng x 5% = 55.000 đồng và số tiền bạn thực tế nhận được là 1.100.000 đồng x 95% = 1.045.000 đồng. Phần thuế trên sẽ được chuyển về cục thuế nơi HND đóng trụ sở còn số tiền 1.045 triệu sẽ được chuyển vào tài khoản chứng khoán của bạn.

--------------------------------------------------

6. Các loại phí thuế khác

Ngoài các loại phí và thuế thông dụng nói trên, sẽ có những loại phí phát sinh khác nhưng không thường xuyên như Phí cho nhận, thừa kế Chứng khoán, phí tin nhắn dịch vụ SMS, phí chuyển lưu ký chứng khoán, phí đóng tài khoản, phí sao kê chứng khoán...

--------------------------------------------------

Phía trên là những loại Phí và Thuế chứng khoán nhà đầu tư thường gặp khi đầu tư trên Thị trường chứng khoán Cơ sở. Nếu có vướng mắc bạn liên hệ trực tiếp mình để được mình hỗ trợ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn