Cách tính giá tham chiếu điều chỉnh trong ngày Giao dịch không hưởng quyền

Khi giao dịch chứng khoán, thông thường như mình biết, giá tham chiếu phiên hôm sau sẽ bằng với giá đóng cửa của phiên trước đó đối với HOSE/HNX, và bằng giá trung bình đối với UPCOM (xem thêm bài viết về Giá tham chiếu và cách tính Giá tham chiếu) . Mặc dù vậy có những ngày giá tham chiếu hôm sau khác với giá đóng cửa hay giá trung bình hôm trước đó, là do cổ phiếu có sự kiện nào đó diễn ra trong ngày như chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn... Bài viết này Hiếu sẽ nói đến cách tính giá điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền.

--------------------------------------------------

Công thức chung để tính giá cổ phiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền:

Công thức chung để tính giá cổ phiếu tại ngày Giao dịch không hưởng quyền. (Link ảnh gốc)

Ảnh trên là công thức tính giá điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền, tùy thuộc vào sự kiện cổ phiếu chúng ta sẽ tìm được các giá trị áp vào công thức để tính P’.

Nguyên tắc tính giá điều chỉnh trong chứng khoán là tổng giá trị nắm giữ trước ngày Giao dịch không hưởng quyền và sau ngày Giao dịch không hưởng quyền là bằng nhau.

Sau đây Hiếu sẽ hướng dẫn cụ thể cách áp dụng công thức tổng quát trên.

--------------------------------------------------

1. Tính giá tham chiếu điều chỉnh khi chi trả cổ tức tiền mặt

Ví dụ tại ngày 12/06/2020, giá tham chiếu của CSV sẽ không phải bằng trung bình của giá trần và giá sàn như hình dưới.

Giá giao dịch ngày 12/06/2020 (Link ảnh gốc)

Trong hình trên, mức giá tham chiếu trên bảng điện tử là 22.5, trong khi giá (trần + sàn) / 2 = (23.5 + 20.5) / 2 = 22. Vậy nguyên nhân vì sao?

Trong thông báo được cafef.vn tổng hợp, mục tin tức, sự kiện có đề cập đến việc chi trả cổ tức đợt 3/2019 như hình dưới.

Thông báo sự kiện CSV (Link ảnh gốc)

Khi click vào link chúng ta sẽ thấy thông tin được công bố của CSV như sau:
 Thông báo trả cổ tức tiền mặt đợt 3/2019 của CSV. (Link ảnh gốc)

Thông báo của CSV có 3 điểm chính:

   (1) Ngày giao dịch không hưởng quyền của CSV là 12/6/2020
   (2) Chi trả đợt 3/2019 bằng tiền
   (3) Tỷ lệ chi trả 5%/mệnh giá, tương ứng với 500 đồng

Đây là các dữ liệu cần để chúng ta tính giá điều chỉnh cổ phiếu. Đối chiếu với công thức tổng quát ở trên ta thấy:

   (1) Ở trường hợp của CSV, giá đóng cửa ngày hôm qua là 22.5 => P0 = 22.5
   (2) Cổ tức bằng tiền mặt 500 đồng => D = 0.5
   (3) Các đơn vị khác là P, R đều = 0

Áp vào công thức ta tính được P' = P0 - D = 22 - 0.5 = 22. Đây là mức giá tham chiếu đúng của CSV trong ngày hôm nay, mức giá này bằng trung bình của giá trần và giá sàn.

--------------------------------------------------

2. Tính giá tham chiếu điều chỉnh khi chi trả cổ tức bằng cổ phiếu

Một ví dụ khác về chia cổ tức bằng cổ phiếu đối với mã HDC.

Thông báo trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu của HDC (Link ảnh gốc)

Theo thông báo của HDC có 3 điểm chính:

   (1) ngày giao dịch không hưởng quyền của HDC là 28/05/2020
   (2) chi trả 2019 bằng cổ phiếu
   (3) tỷ lệ chi trả 15%, tương ứng người sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 15 cổ phiếu mới.

Thống kê lịch sử giá của HDC từ ngày 25/05/2020 đến 01/06/2020 (Vietstock) (Link ảnh gốc)
  1. Theo dữ liệu lịch sử của vietstock.vn, chốt phiên ngày 27/05/2020, giá đóng cửa của HDC là 18.25 => lúc này P0 = 18.25
  2. Tỷ lệ thực hiện cổ tức bằng cổ phiếu là 15% => R CTCP = 15%

Áp vào công thức tổng trên ta tính được P' = P0 / (1+ R CTCP) = 18.25 / (1+15%) = 15.869

Do quy tắc làm tròn số của sở nên mức giá sẽ được làm tròn lên 15.9, bằng với mức giá (2) màu xanh tại ngày 28/05/2020 trong ảnh.
Các trường hợp đồng thời vừa trả Cổ tức tiền mặt vừa trả Cổ tức cổ phiếu hay Cổ phiếu thưởng thay vào công thức tính tương tự.

--------------------------------------------------

Trên đây là nội dung cách tính giá tham chiếu điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền. Nếu có vướng mắc bạn có thể để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp để được mình hỗ trợ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn